Archive for the ‘Dịch thuật’ Category

Nỗi ám ảnh Đại Suy Thoái

Tháng Năm 9, 2009

Cuộc khủng hoảng hiện nay thường được so sánh với cuộc Đại suy thoái 1929-1933. Tuy có nhiều điểm tương đồng nhưng hai cuộc khủng hoảng không hoàn toàn giống nhau. Xin giới thiệu bài so sánh giữa hai cuộc khủng hoảng này của Robert Samuelson, biên tập viên nổi tiếng của hai tờ Newsweek và Washington Post.

Đại Suy thoái những năm 1930 là một sự kiện kinh tế nổi bật nhất của thế kỷ 20. Nó gần như là một trong những nguyên nhân dẫn tới chiến tranh thế giới lần thứ hai, tạo điều kiện cho chủ nghĩa phát xít hình thành ở Đức. Cuộc Đại Suy thoái cũng khuyến khích định hình một hệ thống phúc lợi xã hội mới ở Mỹ để đối phó với nghèo khổ tràn lan. Ở khắp nơi, cuộc khủng hoảng làm mất niềm tin vào chủ nghĩa tư bản phi điều tiết. Cuộc khủng hoảng hiện tại càng làm cho người ta quan tâm nhiều hơn tới cuộc Đại suy thoái trong quá khứ, đó cũng là lẽ tự nhiên. Tuy nhiên, chúng ta không nên đẩy sự so sánh đi quá xa giới hạn của nó.

Cuộc Đại suy thoái tạo ra sự tàn phá đặc biệt nghiêm trọng. Như Liaquat Ahamed viết trong cuốn sách “Những chúa tể tài chính” của ông: “Trong suốt 3 năm khủng hoảng đó, GDP thực tế trong những nền kinh tế lớn đã giảm 25%, một phần tư nam giới trong độ tuổi lao động mất việc làm… Suy thoái kinh tế đã tạo ra sự khốn khó chưa từng thấy ở khắp nơi trên thế giới, từ những thảo nguyên bao la ở Canada tới những thành phố đông đúc chật chội ở Châu Á.”

Ahamed, nhà quản lý tài chính chuyên nghiệp, tác giả cuốn sách cho rằng có hai nguyên nhân chính tạo ra cuộc Đại suy thoái. Thứ nhất là việc tái phục hồi một cách thiếu định hướng chế độ bản vị vàng vào những năm 1920. Thứ hai là những món nợ chính phủ khổng lồ, bao gồm cả những món bồi thường chiến phí của Đức, hệ quả của chiến tranh thế giới thứ nhất. 

Câu chuyện mà Ahamed kể trong cuốn sách dựa trên những công trình nghiên cứu của các kinh tế gia danh tiếng như Milton Friedman, Anna Schwartz, Charles Kindleberger, Barry Eichengreen và Peter Temin. Nhưng Ahamed khác biệt ở chỗ ông chỉ ra những con người và lực lượng chính trị đã gây ra cuộc khủng hoảng. Cuốn sách của ông nhắc tới 4 nhân vật dính líu sâu vào những chính sách ngoan cố sai lầm trong kỷ nguyên đó. Đó là

Montagu Norman, thống đốc ngân hàng Anh Quốc; Benjamin Strong, người đứng đầu cơ quan dự trữ bang New York, Émile Moreau, giám đốc ngân hàng Pháp; và Hjalmar Schacht, giám đốc ngân hàng Reichbank của Đức. Quyết tâm tái lập chế độ bản vị vàng như một động thái cần thiết cho sự thịnh vượng toàn cầu đã chỉ tạo ra sự đổ vỡ.

Dưới chế độ bản vị vàng, tiền giấy được hậu thuẫn bởi dự trữ vàng. Nếu vàng đổ vào một quốc gia (thường dưới dạng thặng dư thương mại hoặc vay nước ngoài), tiền trong nền kinh tế và nguồn cung tín dụng đương nhiên sẽ tăng lên. Nếu vàng đổ ra ngoài, tiền và tín dụng cũng bị thu hẹp lại. Trong chiến tranh thế giới thứ nhất, các chính phủ Châu Âu đã cho ngưng chế độ bản vị vàng. Họ tài trợ cho chiến tranh bằng tiền giấy và các khoản đi vay từ Mỹ. Sở dĩ người ta có xu hướng thích hồi phục lại chế độ bản vị vàng là do muốn tạo cảm giác rằng tiền giấy đáng tin cậy.

Không may là cuộc chiến đã phá huỷ hệ thống đó theo những cách không thể sửa chữa được. Nước Anh, quốc gia chủ chốt thời đó, đã chỉ còn 7,5% lượng vàng dự trữ của toàn thế giới vào năm 1925. Hoa Kỳ và Pháp cùng nhau nắm giữ hơn nửa lượng vàng dự trữ của thế giới. Chiến tranh làm tăng lượng dự trữ của Mỹ. Khi Pháp trở lại chế độ bản vị vàng, tỉ giá của nó được định giá thấp để kích thích xuất khẩu và dự trữ vàng. Trong khi đó, khoản bồi thường chiến tranh mà Đức phải trả cho Anh và Pháp rất lớn, trong khi những quốc gia đó nợ Hoa Kỳ một khoản rất lớn. Hệ thống tài chính toàn cầu là hệ thống nợ nần lẫn nhau đến nỗi dễ “tan vỡ chỉ với một sức ép đầu tiên.” Ahamed viết như vậy.

Mọi việc bắt đầu khi Nước Mỹ tăng lãi suất vào năm 1928, khiến các quốc gia khác cũng phải tăng theo (không quốc gia nào muốn mất vàng bởi những nhà đầu tư chuyển tiền ra nước khác). Lãi suất tăng cao cuối cùng làm cho thị trường chứng khoán sụp tan tành. Các nền kinh tế trở nên yếu đi, các khoản nợ không thể trả được. Ngân hàng hoảng loạn. Tín dụng và sản lượng công nghiệp đều sụt giảm. Tỉ lệ thất nghiệp tăng. Suy yếu lại càng suy yếu như một cái vòng luẩn quẩn.

Đáng buồn là cuộc khủng khoảng hiện nay cũng có những điểm tương tự. Cũng như năm 1930, hệ thống tín dụng toàn cầu cũng lâm vào tình trạng sụp đổ. Cổ phiếu, trái phiếu và các ngân hàng đã liên hệ chặt chẽ với nhau. Mất mát ở một lĩnh vực sẽ ngay lập tức kéo lùi sự phát triển của các lĩnh vực khác. Theo ước tính của Viện tài chính quốc tế, số tiền chảy vào 28 nền kinh tế đang phát triển vào năm 2009 dự đoán sẽ giảm 80% so với năm 2007. Cũng như những năm 1920, sự bất hợp lý về tỉ giá đã bóp méo thương mại. Đồng nhân dân tệ của Trung Quốc giờ đây cũng đang bị đánh giá thấp.

Tuy nhiên, có những khác biệt lớn giữa ngày đó so với bây giờ. Khác biệt lớn nhất là các chính phủ hiện nay không bị ràng buộc bởi chế độ bản vị vàng. Chính vì thế, họ dễ dàng nới lỏng tín dụng, hỗ trợ các định chế tài chính và tăng chi tiêu để ngăn chặn đà suy thoái kinh tế. Cục dự trữ liên bang và Quỹ tiền tệ quốc tế có vốn cho những quốc gia đang phát triển vay để bù đắp lại những mất mát tín dụng tư. Không có thù oán giữa các quốc gia trên trường quốc tế như sau chiến tranh thế giới thứ nhất, những thù oán đã ngăn cản sự hợp tác. Vào năm 1931, nước Pháp đã ngăn cản việc cứu Ngân hàng lớn nhất của Áo (Creditanstalt), sự sụp đổ của ngân hàng này đã châm ngòi cho một làn sóng hoảng loạn ở Châu Âu.

Khi các quốc gia loại bỏ chế độ bản vị vàng, Hoa Kỳ loại bỏ vào năm 1933, các nền kinh tế bắt đầu phục hồi. Một số chỉ số hiện tại đã chứng tỏ rằng cuộc khủng hoảng hiện nay đang có xu hướng giảm, Trung Quốc cũng có một số dấu hiệu của sự phục hồi. Những điều đó đã xoá bỏ những so sánh ảm đạm giữa cuộc khủng hoảng hiện nay với cuộc Đại suy thoái năm xưa. Nhưng nếu những dấu hiệu hồi phục trên sai, những kết luận ảm đạm hơn có khi lại trỗi dậy.

Những sai lầm của cuộc Đại suy thoái bắt nguồn từ những tư tưởng kinh tế chính thống thịnh hành thời đó, những tư tưởng đã bị những thực tế mới vượt qua. Những chính sách kinh tế của hiện tại cũng phản ánh những tư tưởng chính thống của ngày hôm nay. Nhưng sẽ ra sao nếu chúng cũng lại trở nên sai lầm bởi thế giới đang chuyển động theo những cách thức gần như rõ ràng là trở về quá khứ?

Economist nói về Gói kích cầu Việt Nam

Tháng Tư 24, 2009

Việt Nam khẩn trương triển khai Gói kích thích kinh tế

 

Việt Nam đang thực hiện một gói kích thích kinh tế đầy hứa hẹn với tốc độ khá khẩn trương.

 

Các bộ phận trong gói kích thích kinh tế của Việt Nam đang trở nên rõ ràng hơn trong một vài tuần trở lại đây và đang có vẻ tạo được ảnh hưởng. Tốc độ khẩn trương của gói kích thích được công bố vào đầu năm 2009, cho thấy các nhà làm chính sách ở Việt Nam nhận thức rõ sự khẩn thiết phải giảm nhẹ tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu tới nền kinh tế nội địa. Tuy nhiên, cũng có nhiều mối nghi ngờ xung quanh hiệu quả của chương trình kích thích cũng như hậu quả tiềm tàng của nó đối với ngân sách quốc gia.

 

Một trong những thành tố chính của gói kích thích kinh tế là khoản hỗ trợ lãi suất 4% cho những khoản vay ngắn hạn, gói này đang được khối doanh nghiệp rất háo hức đón nhận. Mục tiêu của gói kích thích này là giúp giảm lạm phát, hỗ trợ các công ty trong việc duy trì khả năng sản xuất và giữ công ăn việc làm. Tuy nhiên, quy mô của việc cho vay theo chương trình này cho thấy nó được sử dụng chủ yếu để các doanh nghiệp đảo nợ. Tất cả các công ty trừ những đơn vị hoạt động trong các lĩnh vực được coi là “tiêu cực” (như môi giới chứng khoán, nhập khẩu hàng tiêu dùng và đầu tư bất động sản) đều có quyền được tiếp cận gói hỗ trợ này. Tất cả các ngân hàng thương mại và công ty tài chính đều có trách nghiệm cung cấp các khoản vay ngắn hạn cho doanh nghiệp với lãi suất ưu đãi và đương nhiên sẽ nhận được khoản bù lãi suất từ Ngân hàng Nhà nước (SBV).

 

Cho đến giữa tháng 4, khoảng 220 nghìn tỉ đồng tức khoảng 12,4 tỉ đô la Mỹ tiền vay mới đã được giải ngân theo chương trình cho vay hỗ trợ lãi suất này. SBV dự tính con số này sẽ tăng lên tới 420 nghìn tỉ vào cuối năm 2009 (khi chương trình hỗ trợ lãi suất kết thúc). Các ngân hàng thương mại thuộc sở hữu nhà nước là những đơn vị năng động nhất trong việc cung cấp các khoản vay này còn chi nhánh các ngân hàng nước ngoài ít tích cực hơn cả. Khoảng 60 % khoản vay đã được cung cấp cho các công ty tư nhân, phần còn lại chẩy vào khối doanh nghiệp nhà nước và hợp tác xã.

 

Một thành tố khác trong chương trình kích thích kinh tế của chính phủ là chương trình bảo đảm tín dụng mới để hỗ trợ ngân hàng thương mại cho doanh nghiệp vừa và nhỏ vay. Việt Nam đã từng lưỡng lự khi triển khai những quỹ đảm bảo tín dụng trong quá khứ, chủ yếu là ở cấp tỉnh, với thành công hết sức hạn chế. Chương trình mới này là ở cấp độ quốc gia. Ngân hàng phát triển Việt Nam (VDB) được uỷ quyền là đơn vị cấp vốn duy nhất. Khác với thường lệ, VDB có thể đảm bảo 100% khoản vay, cho cả khoản vay đôla Mỹ lẫn tiền đồng. Những doanh nghiệp đủ tiêu chuẩn phải có ít hơn 500 nhân viên, vốn đăng ký ít hơn 20 tỉ đồng và đảm bảo không có những khoản nợ ngân hàng hoặc nợ thuế quá hạn. Khác với chương trình hỗ trợ lãi suất, VDB có quyền quyết định công ty nào sẽ nhận được khoản đảm bảo.

 

Thông báo mới đây của chính phủ vào 18 tháng 4 cho biết có hàng loạt những biện pháp kích thích khác nhắm vào khu vực kinh tế nông nghiệp, khu vực bị tổn thương nặng nề nhất bởi suy thoái toàn cầu. Chính sách mới bao gồm các khoản vay phi lãi suất để mua thiết bị nông nghiệp và vay hỗ trợ lãi suất cho phân bón và các đầu vào cho nông nghiệp khác. Khu vực nông nghiệp của Việt Nam tạo công ăn việc làm cho 2 phần 3 dân số và góp phần khá lớn vào xuất khẩu.

 

Những quan ngại về ngân sách

 

Mặc dầu việc áp dụng nhanh chóng gói kích thích kinh tế này có tác động khích lệ lớn, tuy nhiên, cách tiếp cận mạnh mẽ của chính phủ đã làm dấy lên những quan ngại về ảnh hưởng của nó lên nền tài chính công. Ngân sách cuộc gia đã bị đặt dưới áp lực nặng nề bởi sự sụt giảm nguồn thu từ thuế. Trong những năm gần đây, nguồn thu từ dầu thô luôn đóng vai trò quan trọng đối với chính phủ. Nhưng với việc giá dầu thế giới giảm mạnh từ điểm đỉnh năm 2008, nguồn thu của chính phủ sẽ bị giảm mạnh, ảnh hưởng rõ rệt tới những kế hoạch chi tiêu.

 

Trong một nỗ lực tăng ngân quỹ cho những dự án thuộc gói kích thích, chính phủ gần đây bắt đầu phát hành trái phiếu đôla Mỹ, với mục tiêu phát được khoảng 1 tỉ đô la trái phiếu với nhiều kỳ hạn khác nhau trong năm 2009. Tuy nhiên, những nỗ lực này có vẻ như không thành công bởi nhà đầu tư mong muốn một lợi nhuận cao hơn những gì chính phủ sẵn sàng trả.

 

Viện tới các nhà tài trợ

 

Nhu cầu ngày càng tăng để đảm bảo những khoản chi thêm đã khiến chính phủ phải viện đến các nhà tài trợ quốc tế một cách quyết liệt và trách nhiệm hơn, tuỳ thuộc vào từng đối tác khác nhau. Chính phủ Nhật bản đã nối lại viện trợ phát triển chính thức cho Việt Nam, sau khi công an bắt giữ ít nhất hai quan chức Việt Nam bị buộc tội đã ăn hối lộ trong một dự án xây dựng gần Thành phố Hồ Chí Minh.

 

Viện trợ phát triển chính thức (ODA) ngày càng đóng vai trò quan trọng đối với Việt Nam trong bối cảnh đầu tư trực tiếp nước ngoài và kim ngạch xuất khẩu đều giảm. Các đối tác phát triển của Việt nam đang có lợi thế trong việc thúc đẩy Việt Nam cải cách kinh tế hơn so với những năm gần đây, khi Việt Nam còn nhận được những khoản đầu tư khổng lồ và mong muốn cải cách của các nhà hoạch định chính sách có vẻ như xẹp xuống. Tuy nhiên, ngay cả khi thực trạng này không xảy ra thì chính phủ cũng sẽ phải nỗ lực xoa dịu sự thất vọng của nhà tài trợ, do tỉ lệ giải ngân vốn ODA chậm bởi sự thờ ơ của hệ thống hành chính cũng như năng lực yếu kém của một số cơ quan nhà nước.

 

Ở thời điểm hiện tại, việc giải ngân là rất cần thiết để đẩy mạnh nền kinh tế nội địa đang yếu. Vì vậy, nỗ lực loại bỏ nút cổ chai đang kìm hãm việc giải ngân vốn ODA hiển nhiên phải là một vấn đề cấp thiết.

Soros nói gì về nước Mỹ hậu Khủng hoảng?

Tháng Tư 11, 2009

Soros nói gì về nước Mỹ hậu khủng hoảng?

Năm 1992, nhờ tiên đoán đúng xu hướng của đồng bảng Anh, tỉ phú George Soros đã kiếm được hơn một tỉ đô la Mỹ chỉ trong vòng 1 tuần. Từ đó, tên tuổi và tài “tiên tri” của Soros nổi như cồn. Trong cuộc khủng hoảng vừa qua, ông cũng là một trong số ít người tiên đoán trước sự suy thoái nặng nề. Theo Soros, một kỷ nguyên đã thực sự kết thúc với cuộc khủng hoảng này.

“Soros đã nhìn thấy trước sự kết thúc của một kỷ nguyên” Đó là tựa của một bài viết dài đăng trên The New York Review of Books. Trong cuốn sách mới của ông, Soros cũng đã viết như vậy.

 “Chủ nghĩa tư bản sẽ tồn tại”

 Khủng hoảng tín dụng nổ ra, Soros “đắt sô” với báo chí, truyền hình. Đi đâu người ta cũng hỏi ông: “Kỷ nguyên mà ông nói sẽ kết thúc là kỷ nguyên nào vậy?”

 Nhiều quan điểm chống thị trường tuyên bố: chủ nghĩa tư bản đã kết thúc, “Xin chào Chủ nghĩa xã hội” quay trở lại. Nhưng, Soros đã vội vã “chỉnh” lại những lập luận như vậy: “Chủ nghĩa tư bản sẽ tồn tại.” Mặc dù phê phán chủ nghĩa duy thị trường đã góp phần tạo ra khủng hoảng, nhưng Soros khẳng định: “Nhiều người muốn chính phủ đóng một vai trò ít nhất có thể và tôi cũng cho rằng chính phủ nên đóng một vai trò nhỏ hơn. Nhiều người tin vào thị trường, tôi cũng tin vào thị trường. Nhưng tôi chỉ muốn thị trường vận hành một cách hợp lý hơn…”

 Để thị trường vận hành hợp lý, chính phủ phải đóng một vai trò nhất định, không phải đóng vai trò nhiều hơn mà là tốt hơn, không phải gia tăng thêm nhiều luật lệ mà đưa ra và thực thi một số những luật lệ phù hợp. Cho dù “chính phủ cũng là con người, họ luôn có xu hướng sai, luôn quan liêu, chậm trễ và bị ảnh hưởng bởi chính trị. Nhưng nếu chính phủ không can thiệp mà cứ để đấy cho thị trường quyết tất thì là một sai lầm.”

Nhà đầu tư 77 tuổi lập luận: “chủ nghĩa thị trường và chủ nghĩa Marx mắc phải một sai lầm tương tự nhau. Chủ nghĩa xã hội có thể phát triển tốt nếu những người cầm quyền luôn đặt lợi ích của dân chúng ở trong tim. Nhưng thực chất họ lại theo đuổi lợi ích cá nhân.” Cũng vậy, những “ông lớn” tài chính chỉ quan tâm đến lợi ích của họ chứ không phải nền kinh tế nói chung hay khách hàng họ đại diện. Đó là hai vấn đề về bản chất giống nhau và đương nhiên chính phủ cần đóng vai trò nắn cho các dòng lợi ích đó tương hợp với nhau ít nhất một cách tương đối.

Kinh tế khủng hoảng có nghĩa là dân chúng đang nghèo đi nhưng Soros nhấn mạnh rằng giấc mơ Mỹ sẽ không kết thúc. “Nước Mỹ vẫn là đất nước của những cơ hội vĩ đại và năng lực tự học hỏi vĩ đại.” Giấc mơ Mỹ không kết thúc nhưng thời đại của một nước Mỹ tiêu dùng đã kết thúc.

Nước Mỹ không còn là “động cơ” của nền kinh tế toàn cầu

Trong suốt 25 năm qua, nước Mỹ đã trở thành “động cơ” của nền kinh tế thế giới. “Động cơ” đó chính là năng lực tiêu dùng của người Mỹ, người Mỹ tiêu dùng nhiều hơn 6,5% so với khả năng sản xuất của nó. Giờ đây, “động cơ đã tắt”. Kỷ nguyên tiêu dùng Mỹ đã kết thúc.

Đó sẽ là một thời kỳ quá độ đầy khó khăn, nhưng Soros cho rằng: “thay vì tiêu dùng, giờ đây nước Mỹ phải xây dựng lại hệ thống điện, tiết kiệm năng lượng, làm cho cuộc sống thích nghi với năng lượng đắt đỏ cho đến khi khám khá ra nguồn năng lượng mới. Khí hậu toàn cầu nóng lên cũng là vấn đề lớn phải đối mặt. Tất cả sẽ đòi hỏi phải đầu tư lớn nhưng cuối cùng, nước Mỹ sẽ vượt qua…”

Đồng đôla Mỹ sẽ yếu đi, nước Mỹ xuất khẩu suy thoái sang các quốc gia khác nhưng đồng thời lại nhập khẩu lạm phát, giá cả sẽ tăng ở các siêu thị của Wal-Mart. Đồng đôla Mỹ cũng sẽ không còn là lựa chọn dự trữ quốc gia “không phải bàn cãi” của các nước khác. Chưa thực sự có một đồng tiền thay thế hoàn hảo nên đồng đô la vẫn có giá trị nhất định của nó nhưng “nước Mỹ sẽ phải tuân thủ những giới hạn được áp đặt bởi ý chí của các nước dự trữ đôla Mỹ, điều đó làm hạn chế khả năng của FED, ví dụ hạ lãi suất.”

“Obama là một người đặc biệt…”

Là nhà đầu cơ số một đã từng bị cựu thủ tướng Malaysia Mahatir Mohamad gọi là “quỷ dữ”, nhưng George Soros lại là một trong những người làm tự thiện nhiều nhất thế giới. Ông đã chi khoảng 5 tỉ đôla thông qua quỹ của mình trong đó có 27 triệu đô cho những “tổ chức chống Bush”. Soros đi du thuyết khắp cả nước để phê phán vị tổng thống này.

Soros nhận định trong một bài trả lời phỏng vấn gần đây: “Bộ máy của Bush đã bịa đặt rất thành công nhắm mục đích thao túng nhân dân, thay đổi dữ kiện. Điều này thể hiện rõ khi chính quyền Bush nhận được tới 90% sự ủng hộ khi đánh chiếm Iraq dưới mác chống khủng bố giả tạo. Cuối cùng, họ đã nhận được những gì đáng nhận được. Bush muốn chứng minh sự vượt trội của sức mạnh Mỹ và thế là ảnh hưởng của nước Mỹ trên thế giới bị suy giảm nghiêm trọng. Bush nghĩ rằng sẽ có thể làm cho tên tuổi ông ta vang danh thì cuối cùng lại tự vấy bẩn chính danh tiếng của mình.”

Về kinh tế, chủ thuyết duy thị trường gắn chặt với Đảng Cộng Hòa, có nguồn gốc sâu xa từ Reagan chứ không chỉ thời kỳ của Bush. Vì thế, Soros càng có xu hướng ủng hộ Đảng Dân Chủ. Ông đặt niềm tin mạnh mẽ vào Barack Obama: “Tôi cho rằng Obama đã chứng tỏ là một người đặc biệt, anh ta có thần thái và tầm nhìn để định hướng lại nước Mỹ một cách triệt để.”

“Cần nhận thức đúng thực tại chứ đừng bóp méo nó.”

Khi được hỏi: “Tiền tỉ có làm ông hạnh phúc?” Soros từng trả lời rằng: “Tất nhiên là tôi hạnh phúc nhưng không phải vì tiền, mà bởi tôi đã thành công trong hành trình lớn lao để thấu hiểu thực tại.”

Nhà tỉ phú luôn nhắc đi nhắc lại lý thuyết của mình rằng: ngộ nhận về thực tại là nguyên nhân của mọi khủng hoảng. Cho rằng phải chống khủng bố bằng cách đến tiêu diệt khủng bố ở một quốc gia khác, “đạp cửa nhà nguời khác và đe doạ họ” để tìm khủng bố là một ngộ nhận dẫn tới việc nước Mỹ sa lầy ở Iraq. Cho rằng cứ để đấy cho thị trường “làm tất” cũng là một ngộ nhận đẩy nước Mỹ và thế giới tới cuộc khủng hoảng trầm trọng hiện nay.

Soros nhấn mạnh: “Cần nhận thức đúng thực tại chứ đừng bóp méo nó.” Bóp méo thực tại vì mục đích tự lợi (dù cố ý hay vô tình) cũng để lại những hệ luỵ khôn lường cho tương lai.

Dân chủ có đem lại Hạnh phúc?

Tháng Tư 11, 2009

Tạp chí Foreign Policy

Số tháng ba/tháng tư, 2008

 Dân chủ có đem lại Hạnh phúc?

Eric Weiner

Trong nhiều thập kỷ qua, các chính khách và nhà khoa học chính trị đều tin vào quan điểm: những quốc gia tự do dân chủ sẽ đem lại hạnh phúc cho nhân dân nước họ. Nhưng giờ đây, một “khoa học mới về hạnh phúc” đã đảo ngược hoàn toàn “công thức” trên.

Chưa bao giờ bất hạnh như sau khi xác lập nền dân chủ: đối với những người dân Moldova đã quá mệt mỏi, Dân chủ chỉ như một lời an ủi lạnh nhạt. Đến Moldova là đến một vùng đất ngập tràn trong thất vọng triền miên và sâu sắc. Những bộ mặt rầu rĩ và u sầu. Người dân Moldova di chuyển một cách bơ phờ theo một kiểu rất đặc trưng Moldova. Những đám mây thất vọng bao phủ trên bầu trời đất nước này, giống hệt và độc hại như những đám khói ở Los Angeles hay bụi than ở Linfen, Trung Quốc vậy.

 Theo những con số thống kê, Moldova là quốc gia kém hạnh phúc nhất hành tinh. Tính theo thang điểm 10 thì Moldove chỉ đạt 4,5 theo những báo cáo điều tra được xây dựng trên cơ sở tự người dân đánh giá. Họ còn ít hạnh phúc hơn những người láng giềng mệt mỏi bên cạnh họ, người Rumani và người Ukraina. Cũng không thể lý giải nổi tại sao, người dân Moldova lại kém hạnh phúc hơn cả người dân Châu Phi thuộc khu vực Sub-Sahara (khu vực nghèo nhất nằm ở phần phía Nam sa mạc Sahara). Có điều gì đó thật khó hiểu ở đây, càng đặc biệt khó đối với những người xây dựng quốc gia này, khi nỗi thất vọng vẫn cứ kéo dài dai dẳng mặc dù nền dân chủ đã được xác lập.

 Không ai nghĩ rằng điều đó lại xảy ra ở đây. Tâm trạng thất vọng của người dân Moldova và thậm chí là của hầu hết các quốc gia thuộc Liên bang Xô Viết cũ ngày càng gia tăng cho dù giới chính trị vẫn luôn thừa nhận một quan điểm gần như chân lý: Các quốc gia dân chủ là các quốc gia hạnh phúc. Nói một cách khác thì, con đường đi tới hạnh phúc của mỗi quốc gia phải được mở đường bằng dân chủ. Cho đến bây giờ, các cuộc tranh luận vẫn chỉ xoay quanh chủ đề: làm thế nào để đi trên con đường đó một cách thành công nhất và cái giá phải trả sẽ là gì.

 Giáo sư Ronald Inglehart, thuộc Trung tâm nghiên cứu chính trị, Đại học Michigan, đã dành cả sự nghiệp của mình để nghiên cứu mối quan hệ giữa dân chủ và hạnh phúc. Ông nói: “Cách lập luận cho rằng dân chủ đi trước hạnh phúc thật hấp dẫn. Lập luận này ám chỉ rằng chúng ta có một giải pháp ngắn gọn cho hầu hết mọi vấn đề của thế giới này: đó là hãy theo đuổi một thể chế dân chủ và sau đó sẽ được sống hạnh phúc.”

 Chỉ có một vấn đề duy nhất với chân lý tưởng như hiển nhiên và lôi cuốn này mà thôi: đó là nó không chính xác. Giáo sư Inglehart cho rằng: “Giả định rằng dân chủ sẽ tự động mang lại cho con người hạnh phúc chẳng khác nào giả định rằng cái đuôi đang vẫy con chó thay vì ngược lại, con chó phải vẫy đuôi.” Nói cách khác, những nhà lãnh đạo quốc gia có tâm cũng như những người chủ trương xuất khẩu dân chủ cần tư duy ngược lại: Không phải những nền dân chủ làm cho người dân hạnh phúc mà ngược lại, những người dân hạnh phúc tạo ra nền dân chủ.

 Khoa học về sự thoả mãn

 Phát hiện quan trọng này không đơn giản là một học thuyết mới nảy sinh từ những võ đoán thiếu cơ sở. Nó được xây dựng dựa trên những dự liệu dày đặc của các nhà khoa học xã hội hàng đầu hiện đang nghiên cứu trong lĩnh vực “khoa học về hạnh phúc”. Những dự liệu này hiện đang được họ sử dụng để đo lường những quan niệm mang tính văn hoá nảy sinh trong tâm trí con người như niềm tin và hạnh phúc. Điều này cũng giống với việc các nhà khoa học chính trị trong nhiều thập kỷ qua luôn đo lường mức độ dân chủ bằng cách so sánh các yếu tố như tự do báo chí và quyền bầu cử.

 Các nhà khoa học xã hội nói trên thực hiện điều đó bằng cách sử dụng những kỹ thuật rất đơn giản và khiêm nhường. Họ hỏi người dân: “Xét về tổng thể thì bạn có hài lòng với cuộc sống hiện tại của bạn hay không?” Những cuộc điều tra ví dụ như Cuộc điều tra toàn diện về Giá trị Toàn cầu đã đặt những câu hỏi đại loại như thế cho người dân 80 quốc gia khác nhau, chiếm khoảng 85% dân số thế giới. Họ đã thu được một nguồn dự liệu cực kỳ phong phú. Dù các số liệu này nhiều khi khá mâu thuẫn nhưng một vài mô hình rõ ràng đã được định hình. Ví dụ như giờ đây thì chúng ta biết rằng các quốc gia hạnh phúc thường có xu hướng trở nên thịnh vượng, môi trường ôn hoà và quan trọng là có một nền dân chủ ổn định.

 Câu hỏi đặt ra là cái gì đến trước: hạnh phúc hay dân chủ. Bất chấp lối tư duy trước đó, giờ đây ngày càng có nhiều bằng chứng chứng tỏ rằng các cộng đồng hạnh phúc, nơi người dân nhìn chung hài lòng với cuộc sống của họ, là điều kiện tiên quyết cho nền dân chủ.

 Vào thập niên 80, dân chủ và hạnh phúc có mỗi liên quan chặt chẽ với nhau (tương quan vào khoảng 0,8). Chính vì thế, lý luận dân chủ đi trước, hạnh phúc theo sau gắn chặt vào tâm trí những nhà khoa học chính trị và những người làm chính sách. Nhưng sau đó, thế giới đã chứng kiến cái mà chúng ta vẫn hay gọi là làn sóng dân chủ thứ ba, hàng loạt những nền dân chủ đã ra đời từ đống tro tàn của Liên bang Xô Viết và các nước đồng minh cũ của họ ở Đông Âu. Những quốc gia này không những không được hưởng phần nào hạnh phúc mà ngược lại, như Moldova chẳng hạn, lại kém hạnh phúc hơn so với thời Xô Viết. Giờ đây, mối tương quan giữa dân chủ và hạnh phúc chỉ là 0,25, ít hơn một phần ba so với thập kỷ 80. Trong khoảng hơn 200 cuộc điều tra được tiến hành bởi nhóm Điều tra giá trị toàn cầu, 28 trong số 30 quốc gia ít hạnh phúc nhất nằm trong số những quốc gia thuộc khối cộng sản cũ. Hai cuộc điều tra còn lại được tiến hành ở Iraq. Ở Nga, cảm nhận hạnh phúc và niềm tin của người dân đã “xuống dốc không phanh” kể từ khi họ được đi bỏ phiếu một cách tương đối tự do. Vào năm 1995, đa số người dân Nga cho biết họ bất hạnh và không thoả mãn với toàn bộ cuộc sống hiện tại. Điều tương tự diễn ra ở Moldova và nhiều nền cộng hoà thuộc liên bang Xô Viết cũ. (Nỗi bất hạnh Nga này vô hình chung đã mở đường trước cho những chính sách kìm hãm tự do dân chủ mới đây của Putin)

 Đối lập với tâm trạng chán chường ở các nước Liên Xô cũ là trường hợp Trung Quốc. Trong hai thập niên gần đây, Trung Quốc đã chứng kiến sự bùng nổ về kinh tế, người dân cho biết mức độ thoả mãn của họ gấp đôi mức độ của các quốc gia thuộc Liên Xô cũ. Cho dù, thực tế Trung Quốc vẫn là quốc gia chỉ có một Đảng Cộng Sản cầm quyền, nơi chỉ tìm kiếm trên Google một cách thiếu thận trọng sẽ khiến bạn phải vào nhà giam.

 Rõ ràng, dân chủ là một trong những nguồn gốc của hạnh phúc, nhưng có vẻ như thực chất thì, đó không phải là nguồn quan trọng nhất. Kinh tế phát triển ảnh hưởng tới hạnh phúc quốc gia ít nhất cũng ngang bằng dân chủ. Tăng trưởng kinh tế giúp thúc đẩy niềm tin giữa người dân và nhà nước, và niềm tin rất quan trọng trong việc tạo ra dân chủ. Đó là lý do giải thích tại sao ở những quốc gia như Hàn Quốc và Đài Loan, sự bùng nổ kinh tế đã đi trước cải cách dân chủ.

 Những số liệu nghiên cứu về hạnh phúc đã chứng minh rằng người dân hạnh phúc thường có xu hướng thoả mãn với chính thể nước họ, cho dù chính thể đó như thế nào đi chẳng nữa, so với những người dân bất hạnh. Điều đó không có nghĩa là dân chủ không đóng vai trò gì ở đây. Thực chất là dân chủ có đóng vai trò. Nếu như tất cả đều lý tưởng thì dân chủ thực sự giúp mang lại hạnh phúc viên mãn. Nhưng tiếc rằng, mọi thứ trên đều ít khi hoàn hảo như lý tưởng.

 Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng các nền dân chủ trên thế giới rõ ràng nhận được một “phần thưởng hạnh phúc”. Vào năm 1999, các nhà kinh tế học Thuỵ Sỹ là Bruno Frey và Alois Stutzer đã thực hiện công trình nghiên cứu nổi tiếng về tác động của hệ thống dân chủ trực tiếp tới mức độ hạnh phúc của một quốc gia. Mảnh đất Thuỵ Sỹ rõ ràng là một “phòng thí nghiệm” hoàn hảo cho kiểu nghiên cứu này. Quốc gia này có một nền văn hoá chung (nếu như ko phải là ngôn ngữ) và một nền kinh tế phát triển bền vững. Hơn thế, mức độ dân chủ lại khác nhau ở từng vùng trên đất nước này. Frey và Stutzer đã hỏi 6000 người dân, cả người bản địa và người nước ngoài, một câu hỏi: “Bạn có cảm thấy thoả mãn với cuộc sống tổng thể của mình hiện nay hay không?” Họ đã tìm thấy mối tương quan rõ ràng giữa sự tồn tại lâu dài của nền dân chủ trực tiếp và cảm nhận hạnh phúc ở mỗi khu vực khác nhau. Trường hợp Thụy Sỹ chứng minh rằng, nếu có thêm dân chủ thì một quốc gia phát triển và đã dân chủ như Thụy Sỹ sẽ càng hạnh phúc hơn. Đối với một quốc gia như Thụy Sỹ, dân chủ trực tiếp như kem trên chiếc bánh. Nhưng với những quốc gia mà đến bánh cũng chẳng có thì kem nào có ý nghĩa gì.

Dân chủ – Một quá trình dài.

Người ta thường rất dễ rơi vào một cái bẫy khi giả định rằng dân chủ là một quyền lực đầy sức mạnh có khả năng quét sạch tất cả những khác biệt văn hóa trên đường đi của nó. Nhìn thấy sự đúng đắn rõ ràng của bầu cử tự do và quyền tự quyết, người dân trên thế giới này tốt hơn nên từ bỏ những “dấu tích văn hóa” của họ như con rắn lự lột da nó vậy. Liệu tư duy như vậy có đúng không? Đó quả là một lập luận hấp dẫn và hoàn toàn đáng hoan nghênh, chỉ có điều nó sai. Giáo sư Inglehart cho rằng: “Văn hoá dường như giúp định hình nền dân chủ nhiều hơn nhiều so với việc dân chủ giúp định hình văn hóa.”

 Thực ra, quan điểm văn hoá đứng trên đang giành được sự ủng hộ đặc biệt trong giới những nhà nghiên cứu ngoại giao theo trường phái hiện thực như Colin Powell. Ông này phát biểu trong một cuộc phỏng vấn gần đây: “Có rất nhiều nơi không sẵn sàng cho kiểu dân chủ mà chúng ta đang thấy hấp dẫn. Về mặt văn hóa thì họ không sẵn sàng để đón nhận nó.” Điều đó không có nghĩa là những nơi đó vĩnh viễn ko bao giờ sẵn sàng cho dân chủ. Chỉ là ở thời điểm này thì không thích hợp và không một mong muốn nào dù mơ mộng và to lớn đến đâu có thể thay đổi được thực tế đó.

 Tất cả những kết luận trên có thể gây thất vọng cho những ai muốn thấy chính sách đối ngoại được định hình theo tư duy lý tưởng. Nhưng, chính Iraq chứ ko phải quốc gia nào khác đã chứng minh: “đẻ” ra một bản hiến pháp không có nghĩa là biến một quốc gia đầy ngờ vực và bất hạnh thành một xã hội của niềm tin và hạnh phúc. Tất nhiên, khoa học về hạnh phúc mới chỉ ở trong giai đoạn trứng nước và sẽ là dại dột nếu áp dụng chính sách đối ngoại theo những kết luận mang tính thử nghiệm này. Các nhà khoa học xã hội có thể đo lường với độ chính xác tương đối những đối tượng như niềm tin và hạnh phúc, nhưng họ không thể biết làm thế nào để tạo ra hạnh phúc và niềm tin trong mỗi con người hay toàn thể quốc gia. Những phát hiện trên chỉ nhắc nhở chúng ta rằng, dân chủ sẽ đến vào một thời điểm thích hợp nào đó nhưng sẽ không đến sớm hơn dù chỉ một giây.