Archive for the ‘Bài viết’ Category

Châu chấu, Blog và quảng bá du lịch quốc gia

Tháng Mười Hai 27, 2009

Những người làm quảng bá du lịch cho Việt Nam hoàn toàn có thể tận dụng truyền thông số để tìm ra những giải pháp tiếp thị sáng tạo cho đất nước mình. Nhà tư vấn tiếp thị số Ian Fenwich nhận định.

Ian Fenwick là tác giả cuốn sách “Tiếp thị số” mới được NXB Tri Thức và VNN Publishing cho ra mắt tại Việt Nam. VietNamNet đã có cuộc trao đổi với tác giả nhân dịp ông sang Việt Nam làm diễn giải chính trong Hội thảo quốc tế về Tiếp Thị Số được tổ chức tại Hà Nội, ngày 15 tháng 12 vừa qua.

 Tiếp thị số là hoạt hoạt động tiếp thị sử dụng các kênh kỹ thuật số như Websites, mạng xã hội, email, mobile, game, IPTV… Một lĩnh vực rất rộng và khái quát, ông có thể mô tả một ví dụ cụ thể về tính hiệu quả và sáng tạo của loại hình này?

 Tôi lấy ví dụ về một chiến dịch marketing cực kỳ thành công ở Mỹ vào tháng 5 vừa rồi có tên: “Grasshoppers” (Châu chấu).

Có một công ty nhỏ ở Mỹ chuyên cung cấp dịch vụ điện thoại cho doanh nghiệp nhỏ, họ quyết định đổi thương hiệu thành Grasshopper.

Họ đã tìm một trang trại nuôi châu chấu sạch và mua 25.000 con châu chấu. Họ nướng châu chấu rồi bọc bên ngoài bằng một lớp vỏ chocolate xanh có hình dạng như con châu chấu. Công ty này cho 5 con châu chấu vỏ chocolate vào mỗi túi nhỏ và sau đó gửi 5.000 túi như vậy cho 5.000 blogger nổi tiếng và những người có ảnh hưởng nhất nước Mỹ.

Đa số tất nhiên không dám ăn chúng nhưng món quà quá kỳ lạ đến nỗi họ đều phải viết về nó trên blog của mình, buôn chuyện về nó ở khắp nơi, đẩy các đoạn video ăn châu chấu lên youtube. Các kênh truyền hình và báo chí thấy chuyện lạ cũng thi nhau đưa tin.

Đó là một chiến dịch tiếp thị thông minh và sáng tạo đến nỗi trong thời gian ngắn và chi phí tối thiểu đã thu hút được sự chú ý  của dư luận. Họ đã biết tấn công vào giới blogger.

Đó là một giải pháp để quảng bá thương hiệu cho doanh nghiệp, còn ở tầm quốc gia thì sao?

Tháng 1 vừa rồi, tôi được mời làm diễn giả chính ở một hội thảo ở Toronto, Canada có chủ đề: “Làm thế nào để quảng bá địa điểm du lịch bằng truyền thông số.”

Cũng theo thông tin từ hội thảo, thành phố Montreal ở Canada đã dành 100% ngân sách quảng bá cho lĩnh vực truyền thông số chứ không tốn tiền vào những phương tiện truyền thống cũ như quảng cáo truyền hình hay tạp chí nữa.

Đó là một trường hợp có vẻ cực đoan nhưng tôi cho rằng tương lai của quảng bá du lịch sẽ chuyển dịch toàn diện về hướng truyền thông số.

Những trang mạng hướng dẫn và bình luận về địa điểm du lịch như tripadviser.com ngày càng trở nên phổ biến. Hầu hết khách du lịch ở Mỹ và Châu Âu sẽ không đi du lịch mà không đọc trước những bình luận đó trên mạng. Theo số liệu từ hội thảo, 40-50% khách du lịch đã đặt trước khách sạn, vé máy bay… trên mạng.

Chúng tôi đang rất quan tâm tới việc tận dụng truyền thông số để quảng bá thương hiệu và hình ảnh quốc gia như một điểm đến du lịch hấp dẫn, ông sẽ tư vấn gì cho cơ quan du lịch Việt Nam để có thể thực hiện điều đó?

Bước đầu tiên phải có một website thực sự hấp dẫn, thú vị và sáng tạo, thể hiện được tất cả những đặc điểm độc đáo nhất của đất nước. Đặc biệt quan trọng là hệ thống tìm kiếm trong trang web này phải thật sự tốt để người xem có thể tìm thông tin dễ dàng.

Bước thứ hai, các bạn phải tiến hành một chiến dịch tiếp thị qua các công cụ tìm kiếm trên mạng. Để khi giả sử tôi muốn tìm kiếm một nơi thú vị ở Châu Á cho kỳ nghỉ, những thông tin về Việt Nam hoặc một địa điểm nào đó của Việt Nam phải hiện ra ngay lập tức.

Rất quan trọng nếu bạn có thể khiến các blogger vào cùng tham gia. Bạn biết là bây giờ đa số đều đọc blog, rất nhiều người viết blog và tất nhiên phần lớn trong đó không nhận đồng nào khi viết. Tuy vậy, họ có ảnh hưởng và sức mạnh rất lớn. Hãy nghiên cứu và học hỏi từ chiến dịch châu chấu mà tôi đã nói ở trên.

Website chính thức để quảng bá du lịch thì Việt Nam cũng có nhưng chất lượng chưa đạt yêu cầu. Ông hãy cho biết một vài gợi ý để nâng cao chất lượng của chúng?
 

Các bạn cần xây dựng một cơ sở dữ liệu những người thật sự quan tâm tới Việt Nam hoặc một địa điểm nào đó trên đất nước các bạn.

Có thể thực hiện điều đó bằng cách lập một website cho phép tải về mọi thông tin du lịch cần thiết hoàn toàn miễn phí. Nhưng khi họ tải về thì phải đăng ký, khai một số thông tin cá nhân và đồng ý nhận thông tin từ bạn.

Quan trọng nhất là những thông tin đăng ký của họ cho ta biết nhân thân của họ, họ có con cái chưa, họ bao nhiêu tuổi, họ thích điều gì. Ví dụ, họ quan tâm đến nghệ thuật và ở địa điểm du lịch lại đang diễn ra một triển lãm nghệ thuật lớn. Vậy bạn có thể gửi email cho họ với lời chào mời đã được cá nhân hóa để phục vụ chính du khách đó. Những gì đã được cá nhân hóa bao giờ cũng tạo ra sự khác biệt rất lớn.

Ưu điểm của tính chất cá nhân hóa của tiếp thị số so với phương pháp truyền thống là gì?

Vấn đề ở đây là tiếp thị theo cách truyền thống chỉ hướng tới đối tượng đại chúng.

Nếu các bạn quảng bá bằng một TVC trên CNN, các bạn chỉ gửi đi một thông điệp chung chung cho đại chúng.

Nhưng khi thực hiện tiếp thị số, tôi có thể gửi một thông điệp riêng cho người đã có gia đình, người có họ hàng ở Việt Nam, người đã về hưu, người quan tâm đến nghệ thuật, thậm chí là người thích giúp đỡ người nghèo ở Việt Nam. Tôi có thể gửi đến họ một thông điệp đã được cá nhân hóa và điều đó tạo nên hiệu quả lớn hơn so với tiếp thị truyền thống.

Quan trọng nhất là bạn cần biết cách xây dựng cơ sở dữ liệu một cách thông minh để biết nên gửi cho ai với nội dung nào.

Có một cách thức nào sáng tạo hơn không để có thể tạo ra sự thu hút bùng nổ trong thời gian ngắn?

Trường hợp của bang Queensland của Úc chẳng hạn là một trường hợp ứng dụng tiếp thị số thành công điển hình.

Họ đưa ra một giải thưởng rất lớn cho một cuộc thi làm video clip, giải thưởng lên tới 150.000 đôla Úc để người thắng cuộc đủ tiền sống và vui chơi ở đảo Queensland trong vòng 6 tháng. 

Tham dự cuộc thi, bạn phải làm một đoạn video một phút giải thích tại sao bạn lại nên được chọn và bạn đẩy đoạn video đó lên trang web của họ.

Và đã có tới 35.000 người trên toàn thế giới tham gia cuộc chơi này và đương nhiên có 35.000 đoạn video trên mạng. Trong các đoạn clip đó, mọi người trên khắp thế giới nói tại sao họ lại muốn tới sống ở Queensland và những đoạn clip đó sẽ mãi mãi ở trên mạng. Đó chính là một khối lượng khổng lồ những clip quảng cáo cho bạn.

Quan trọng hơn, do cuộc thi này là sự kiện khác thường, nó đã thu hút sự chú ý của rất nhiều tờ báo và đài truyền hình trên thế giới, họ đã đưa tin miễn phí cho bạn.

Mọi chuyện thành công ngoài dự kiến ngoại trừ ngày cuối cùng trong hạn nộp bài thi, có tới 7.000 người cố gắng đẩy đoạn video của họ lên và trang mạng sập vì quá tải.

Tôi nghĩ trường hợp Queensland là điển hình của một cách làm sáng tạo và độc đáo, nó cho phép khách hàng tham gia trực tiếp và sáng tạo cùng với bạn.

Điều gì cản trở đối với việc thực hiện tiếp thị qua các kênh số?

Vấn đề khó khăn nhất là đối phó với chuyện bị phê bình. Khi một du khách nào đó than phiền, xu hướng của chính quyền ở Châu Á thường là bỏ ngoài tai hoặc cho rằng họ nói nhảm.

Tôi thấy các nước Châu Á hay vướng phải tâm lý này. Trong khi đáng ra các bạn cần thật sự quan tâm tới những bình luận của khách du lịch trên các trang mạng đó, bạn phải theo dõi nó thường xuyên.

Nếu có ai đó phàn nàn, bạn phải có câu trả lời cho họ, hãy nói với họ rằng bạn xin lỗi về điều đó, đó chỉ là trường hợp cá biệt và chúng tôi sẽ sửa chữa, khắc phục bằng cách nào đó.

Những người khác khi xem lại bình luận đó sẽ không chỉ thấy vấn đề mà đã thấy cả giải pháp, họ sẽ rất hài lòng.

Vấn đề không chỉ là quảng bá bằng những phương tiện số, vấn đề còn là theo dõi chặt chẽ và hồi đáp với một thái độ chân thành và trách nhiệm.

Nhiều người nói tiếp thị số hiệu quả không phải là tiếp thị. Tiếp thị số hiệu quả là nói sự thật và phản hồi đầy đủ với những người quan tâm.

Hiệu quả của tiếp thị số so với tiếp thị truyền thống bằng quảng cáo trên truyền hình hay tạp chí như thế nào, theo ông?

Tôi không bao giờ nghi ngờ rằng hiệu quả của tiếp thị số sẽ lớn hơn nhiều so với tiếp thị truyền thống.

Tôi không nghĩ rằng cách làm những TVC quảng cáo phát trên CNN như một số quốc gia Châu Á đang làm hiện nay có hiệu quả.

Tôi nghĩ không nên bắt chiếc hoàn toàn ai cả trong không gian số này, nhưng các bạn có thể ngồi lại với nhau để tìm ra những giải pháp tiếp thị sáng tạo cho đất nước mình.

Angkor, miền lý tưởng xa vời

Tháng Mười Một 21, 2009

Từ điêu tàn tới điêu tàn

Những căn nhà sàn lợp lá xơ xác, những cây thốt nốt trơ trọi giữa cái nắng thiêu đốt mùa hè, những đồng ruộng khô cạn không bóng người cày cấy, vùng nông thôn Campuchia sau 30 năm diệt chủng vẫn đói nghèo như thế.

Xuôi quốc lộ 6 trên con đường từ cửa khẩu Mộc Bài tới Siem Riep, không thấy bóng dáng của sức sống con người. Biết là Campuchia nghèo, nhưng tôi cũng không ngờ là nghèo đến vậy. Đi trên những con đường nông thôn Việt Nam, còn thấy nhà mái bằng, cửa hàng tạp hóa, đồng ruộng xanh tươi thấp thoáng bóng người chăm bón. Đi suốt dọc theo quốc lộ của Campuchia, hi hữa mới thấy một căn nhà mái bằng, đa số là nhà lá, phần còn lại là những căn nhà ốp ván tạm bợ.

Qua những thị trấn ở Kongpong Thom, Kongpong Cham, khung cảnh bớt tiêu điều hơn nhưng nơi đâu cũng thấy bóng ma diệt chủng dường như vẫn còn ám ảnh đâu đây. Những con đường, thị trấn chẳng biết tên gọi là gì, chỉ thấy người ta gọi nó bằng những cái tên như Đại lộ Kinh hoàng, Thị trấn ma. 30 năm trước, nơi đây có những căn nhà 15 người không một ai còn sống sót bởi một chế độ vô nhân tính. 30 năm sau, vẻ ngơ ngác và khổ cực vẫn hằn lên trên từng khuôn mặt Campuchia đen đúa.

Điêu tàn, đó có lẽ là từ cô đọng hơn cả để nói về vùng nông thôn Campuchia. Điểm nhấn có lẽ chỉ là những đoàn xe du lịch sang trọng hàng ngày vẫn chạy về Siem Riep chỉ để thăm quan một nơi điêu tàn khác: khu quần thể Ankor nổi tiếng, kỳ quan thiên nhiên thế giới năm 1992 theo bình chọn của Liên Hợp Quốc.

Angkor là một quần thể những đền đài một thời là trung tâm của đế chế hùng mạnh Khmer. Điêu tàn có lẽ cũng là từ hợp lý khi nhìn cận cảnh những phế tích còn tồn tại trên mảnh đất này. Nhưng đó lại là cái điêu tàn đáng xem, khác với cái điêu tàn của những cánh đồng trơ trụi chỉ có nhà lá và cây thốt nốt.

Một lịch sử bị lãng quên

 

Là kinh đô của đế chế Khmer thịnh trị suốt từ thế kỷ 9 đến thế kỷ 13, Angkor một thời đã từng là trung tâm quyền lực và tôn giáo của cả một vùng đất rộng lớn gồm cả Campuchia, Lào, Miễn Điện, Thái Lan và một phần của miền nam Việt Nam bây giờ. Những cung điện, đền đài trong hai khu chính của Angkor là Angkor Wat (Kinh đô chùa) và Angkor Thom (Kinh đô lớn) được xây dựng hoàn toàn bằng những phiến đá ghép lại với nhau. Xưa kia, nơi đây chắc chắn đã từng một thời tráng lệ và linh thiêng. Như giáo sĩ người Bồ Đào Nha Diogo Do Couto viết trong chuyến viếng thăm Angkor năm 1686: “Đây là một công trình ngoại hạng đến nỗi không diễn tả nổi bằng ngòi viết, một kiến trúc không giống kiến trúc nào khác trên thế giới. Angkor có những tháp, kiến trúc trang trí và tất cả những cái tinh tuý nhất mà thiên tài con người có thể nghĩ ra được.”

Vào năm 1431, vương quốc Ayutthaya của người Thái đánh bại đế chế Khmer. Đế chế hùng mạnh một thời đi vào quên lãng và khu quần thể Angkor cũng bị lãng quên hoàn toàn trong rừng sâu ít người qua lại. Mãi tới năm 1858, nhà thực vật học và thám hiểm người Pháp Henri Mouhot đã khám phá lại khu di tích Angkor u tịch, chìm đắm trong rừng rậm từ bao thế kỷ. Từ trên đỉnh núi Bakheng, ông nhìn xuống Angkor và xúc động viết những dòng sau trong cuốn nhật ký của mình: “Tất cả vùng này giờ đây vắng lặng và cô quạnh, trước kia chắc hẳn nhộn nhịp và vui vẻ lắm, nay chỉ còn tiếng hú của các loài thú dữ và tiếng chim kếu giữa im lặng cô đơn…”

Angkor không còn im lặng cô đơn như xưa nữa bởi giờ đây, hơn 2 triệu lượt khách đổ về vùng này mỗi năm và con số cứ mỗi ngày một tăng chóng mặt. Angkor giờ nhộn nhịp những bước chân người như thời còn hưng thịnh. Duy chỉ có điều, những khu đền đài của Angkor ngày nay không còn gì thánh thiêng như chắc nó đã từng thời ấy, không chỉ bởi tất cả đã cũ kỹ và đổ nát theo tháng năm…

 

Angkor Wat – Gương mặt thánh thiêng đã mất

 

Angkor của ngày xưa là miền đất thánh của hai tôn giáo lớn: Ấn Độ giáo và Phật giáo. Những chứng tích tôn giáo hiển hiện trên toàn bộ khu di tích rộng lớn cũng như trên từng nét chạm khắc nhỏ nhất của Angkor.

Toàn bộ khu đền Angkor Wat được xây dựng vào khoảng nửa đầu thế kỷ 12 dưới thời vua Suryavarman II. Khu quần thể rộng tới 200 hécta này được xây dựng để thờ thần Vishnu, một trong ba vị thần tối cao của Ấn Độ giáo. Angkor Wat được mô phỏng theo đúng vũ trụ Meru của người Ấn Độ xưa. Hào nước rộng bao quanh khu đền biểu tượng cho những đại dương nhiệm màu bao quanh trái đất. Những hành lang đồng tâm liên tục bao quanh khu tháp trung tâm biểu tượng cho những dãy núi bao quanh đỉnh núi Meru, ngôi nhà của các Thánh Thần. Phải leo lên những cầu thang dốc tới 80 độ mới có thể vào được ngọn tháp trung tâm hàm ý: người thường phải nỗ lực hết mình mới giác ngộ để gặp được thần linh.

Ý tưởng kiến trúc tổng thể của Angkor Wat cũng như sự kỳ công thể hiện trên từng bức phù điêu của khu đền thể hiện rõ sự sùng bái Ấn giáo của vua Suryavarman II nói riêng cũng như của đế chế Khmer nói chung. Chắc hẳn nơi đây xưa kia đã từng chứng kiến những nghi lễ tôn giáo hoành tráng và linh thiêng. Nhưng giờ đây, người ta đổ về Angkor Wat chỉ để ngắm nhìn những phế tích chứ không phải để cảm nhận bầu không khí thánh thiêng tôn giáo ở mảnh đất này. Không thấy nơi nào để thờ tự, chỉ thi thoảng bắt gặp những bàn thờ tạm bợ đặt dưới những bức tượng cũ kỹ. Khách du lịch cũng chẳng mấy ai thắp hương ở những bàn thờ bày ra cho có lệ như vậy.

Tượng Phật trong khu Angkor Wat có kha khá nhưng đa số đều… mất đầu. Trong nhiều năm, những kẻ ăn cắp cổ vật đã chặt đầu cả thần Phật để bán cho những nhà buôn đồ cổ phương Tây. Những gì có thể bán lấy tiền thì đều bị vặt mất, từ đầu rắn thần Naga tới mặt nàng Aspara. Toàn thể khu Angkor khá tráng lệ khi nhìn từ xa nhưng lại gần mới thấy sự xác xơ của nó. Thời gian và cả con người nữa đã phá hủy gương mặt thánh thiêng của Angkor Wat.

Angkor Thom – Sự sống vô thường

Khu kinh đô Angkor Thom được xây dựng vào khoảng cuối thế kỷ 12 dưới thời vua Jayavarman VII. Ông vua này sùng đạo Phật đến nỗi xây dựng ở trung tâm của nó một khu đền gọi là Bayon. Khu đền trông như một rừng đá này có 54 ngọn tháp lô nhô, mỗi ngọn tháp đều có 4 mặt Phật quay sang 4 hướng khác nhau với nụ cười trầm tư bí hiểm.

Kiến trúc tổng thể của Bayon được cho là mô tả hình ảnh kỳ diệu trong Phật thoại, khi Đức Phật biến hóa trên không trung thành hàng ngàn Đức Phật quay tròn lấp lánh. 256 gương mặt đá nhìn về 4 hướng khác nhau thể hiện ánh sáng nhiệm màu của Phật pháp soi tỏa bốn phương.

Cấu trúc kỳ lạ của Bayon và toàn thể Angkor Thom cho thấy Phật giáo đã thịnh trị ở Campuchia dưới thời Jayavarman VII, tức cuối thế kỷ 12. Những nghi lễ Phật giáo chắc chắn đã từng được tổ chức linh đình ở khu vực này ngày đó. Nhưng giờ đây, cũng như Angkor Wat, Angkor Thom và Bayon chỉ còn là những khối đá vô tri lạnh lẽo chứ không còn thấy tinh thần ấm áp của đạo Phật. Không khói hương, không thờ tự, không sư sãi… chỉ còn đó những khối đá kỳ vĩ được trạm khắc công phu nhưng đã móc meo và sứt sẹo qua hơn 800 năm lịch sử.

Đi vào Bayon, ngẩng đầu lên chỗ nào cũng chỉ thấy những mặt Phật mỉm cười, nhân từ nhưng khó hiểu. Các nhà nghiên cứu cho rằng đó là nụ cười thấu biết của Đức Phật, nụ cười của người hiểu hết lẽ vô thường của sự sống. 256 gương mặt ấy đã đứng sừng sững như thế trong suốt hơn 800 năm để chứng khiến sự hưng thịnh và suy vọng của một đế chế, chứng kiến một trong những bi kịch diệt chủng dã man nhất trong lịch sử hiện đại.

Miền lý tưởng xa vời

 

Angkor là một di sản văn hóa, một kỳ quan may mắn còn lại giữa rừng sâu sau những biến động của gần một thiên niên kỷ. Những nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa, tôn giáo có thể tìm thấy ở Angkor những bằng chứng vô giá cho những công trình của họ. Khách du lịch đến Angkor để chiêm ngưỡng một vẻ đẹp kỳ lạ, không lung linh rực rỡ nhưng có cái gì đó rất hoài niệm, cổ xưa.

Angkor đẹp thật nhưng, có lẽ sai lầm nếu giờ đây người ta gọi mảnh đất này là thánh địa. Angkor của ngày xưa có thể là thánh địa nhưng bây giờ chắc chắn chỉ còn là phế tích. Lang thang trong khuôn viên mênh mông của Angkor, có đôi khi cũng bắt gặp một vài vị sư áo vàng. Nhưng có đổ vào Angkor 1000 vị sư áo vàng thì cũng không cứu nổi một thực tế rằng: Angkor đã không còn là đất thánh. Không có miền đất thánh nào lại toàn những tượng thánh mất đầu…

Angkor chính là hiện thân của Campuchia, nó như một tấm gương phản chiếu lịch sử Campuchia, phản chiếu toàn bộ những nghịch lý và khổ đau mà dân tộc này phải chịu. Đất nước tôn thờ Phật pháp từ bi đến nỗi không giết cá bằng cách đập đầu cũng chính là nơi hàng trăm ngàn người bị đập vào đầu bằng cuốc xẻng cho đến chết. Đất nước của hoa sen cũng lại chính là đất nước của đầu lâu.

Tha thẩn giữa không gian hoang sơ của Angkor dễ làm người ta nảy sinh hoài niệm về quá khứ. Từ những bức phù điêu còn lại trên các bức tường đá ở Angkor, có thể tưởng tượng lại những nghi lễ huyền hoặc năm xưa. Angkor trong trí tưởng tượng âý sẽ rất khác với Angkor trong hiện thực. Đến Angkor để chợt nhận ra sự bất lực của giáo lý trước sự đói khổ của con người, nhận ra miền lý tưởng vẫn còn ở nơi nào đó rất xa vời so với hiện thực ngày nay.

Cụ Khổng và cái tàu cá

Tháng Mười Một 19, 2009

Sáng 10 tháng 11 vừa rồi, Bộ đội Biên phòng Thừa Thiên Huế truy đuổi 16 tàu cá ra khỏi vùng lãnh thổ Việt Nam. Tàu tuần tra của Bộ đội biên phòng cũng đã bắt giữ 1 tàu cá mang số hiệu 14062 trên đó có 13 ngư dân Trung Quốc. Sau đó, quân đội Việt Nam lập biên bản, phạt cảnh cáo và phóng thích ngay con tàu này vào cuối giờ chiều.

Việc tàu Trung Quốc vào vùng biển Việt Nam đánh cá đã diễn ra không ít nhưng lần này, 17 con tàu đã vào quá sâu, tới khu vực giữa đảo Cồn Cỏ và bờ biển Thuận An, cách bờ có 24 hải lý. Việc lực lượng biên phòng phải vào cuộc, truy đuổi và xử phạt là hết sức đúng đắn và hợp lý.

Nhưng, điều đúng đắn hơn thể hiện trong lời phát biểu của ông Hoàng Xuân Chiến, Chỉ huy trưởng ban chỉ huy Bộ đội Biên phòng: “Chúng tôi cho là ngư dân Trung Quốc vi phạm hải phận Việt Nam cũng chỉ vì con cá thôi, nên chỉ giải thích rồi cho họ đi. Không phải vì họ đuổi bắt, đâm thủng, phạt vạ tàu mình mà mình trả đũa.”

Câu nói ấy của ông làm tôi nhớ lời cụ Khổng Tử của Trung Quốc, một lời dạy mà ai đã học Nho giáo của cụ đều biết: “Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân”, nghĩa là “cái gì mình không muốn thì đừng làm cho người khác”. Cụ Khổng còn dạy tiếp: cái gì mình muốn thì hãy làm cho người khác, “mình muốn tự lập thì cũng thành lập cho người, mình muốn thành công thì cũng giúp người thành công.”

Lực lượng biên phòng Việt Nam đã làm thật đúng với lời dạy hiền nhân, Việt Nam không muốn những chuyện đâm tàu, bắt giam, đánh đập ngư dân xảy ra với tàu cá nước mình nên đã không làm thế với tàu Trung Quốc.

Cụ Khổng “hồi sinh”

Khổng Tử là một triết gia, nhà tư tưởng có ảnh hưởng rộng khắp không chỉ ở Trung Quốc mà còn ở nhiều nước Châu Á khác. Dưới thời Mao Trạch Đông, cụ bị “hắt hủi”, bị coi là tàn tích của chế độ phong kiến cần xóa bỏ. Nhưng, trong vài năm trở lại đây, cụ Khổng được tôn vinh chưa từng thấy ở Trung Quốc.

Bộ Giáo dục Trung Quốc bật đèn xanh cho các đề xuất đưa văn hóa Khổng giáo truyền thống vào giảng dạy ở các trường phổ thông. Các trường Đại học mở các khóa học về Triết học Khổng giáo, thành lập những viện nghiên cứu Khổng tử.

Không chỉ trong nước, tốc độ thành lập các Học viện Khổng Tử ở nước ngoài mới thật kinh ngạc. 3 năm trước, một bài báo trên tờ Newsweek cho biết: “Trung Quốc thông qua một chương trình 10 tỉ đôla để tạo ra 100 Học viện Khổng Tử trên toàn thế giới vào năm 2010.” Thế mà, đầu tháng 11 vừa rồi, một bài trên VietNamNet viết: “cho đến cuối năm 2008, đã có 249 Học viện Khổng Tử được xây dựng trên 78 quốc gia.”

Nếu đúng như vậy thì Trung Quốc thật sự đã tăng tốc quá trình truyền bá giá trị Trung Hoa và Khổng giáo với một quyết tâm đáng kinh ngạc.Học viện mang tên nhà hiền triết để dạy tiếng Hoa và truyền bá văn hóa Trung Quốc, trong đó di sản cụ Khổng góp phần quan trọng.

15 năm trước, ít ai ở Trung Quốc dám nhắc công khai tới các nguyên lý đạo Khổng, ngày nay, người ta nhắc tới lý tưởng của cụ ở khắp nơi. Đặc biệt, quan chức càng thích “tầm chương trích cú” lời cụ. Cụm từ “xã hội hòa hợp” mà chủ tịch Hồ Cẩm Đào tuyên ngôn như một học thuyết sau khi nắm quyền năm 2003 là một ý tưởng nguồn gốc từ Khổng Tử. Cụ Khổng cả đời ước ao xây dựng một “thế giới đại đồng”, nơi người người sống với nhau thuận hòa như trong một đại gia đình.

Sinh thời, cụ Khổng đi khắp các nước truyền bá tư tưởng Đức trị, Nhân trị của mình cho các bậc quân vương. Thế nhưng, lời cụ chẳng được đoái hoài, cuối cùng, cụ đành về quê mở trường dậy học. Trước khi mất, cụ rớt nước mắt nói lời cuối với học trò Tử Cống:

– Thiên hạ loạn từ lâu mà không một ông vua nào chịu theo lời khuyên của thầy, thầy sắp đi đây.

Cụ Khổng ở dưới suối vàng chắc cũng không thể tưởng tượng ra được, 2500 năm sau, lại có chính thể “đãi ngộ” cụ hoàn hảo tới mức ấy khi coi những lý tưởng của cụ như một trong những nền móng xây dựng xã hội.

Chính quyền Trung Quốc làm “hồi sinh” cụ Khổng cũng có những lý do của nó.

Về mặt đối nội, nhiều tầng lớp nhân dân đã quá bức xúc trước tình trạng tham nhũng, tịch thu đất đai và tha hóa đạo đức của nhiều quan chức. Đạo Khổng chủ trương người cầm quyền phải Đức trị, phải Chính danh, phải Tu thân, phải Yêu dân. Ngược lại, người dân phải Tôn Quân, thiên tử là “con trời”. Vậy nên, đương nhiên, những quan điểm ấy được “hồi sinh” để giúp các nhà chính trị dễ điều hành cường quốc 1,3 tỉ dân.

Về mặt đối ngoại, tư tưởng ngoại giao hòa hợp, hòa bình của cụ Khổng rất hợp với những tuyên ngôn về đối ngoại của Trung Quốc. Trung Quốc đang trỗi dậy nhưng là “trỗi dậy hòa bình”. Điều ấy rất hợp với lời cụ Khổng dạy Nhiễm Cầu về đối ngoại: “Nếu người ta không phục mình thì sửa văn đức để người ta đến với mình, họ đến với mình rồi thì làm sao cho họ yên ổn.”

Danh phải chính

Đạo của cụ Khổng có những cái giờ đã bị coi là bảo thủ, là hủ lậu nhưng vẫn còn đó rất nhiều điểm hợp lý, trải qua cả ngàn năm vẫn là “niềm cảm hứng cho đời sau”, “làm cho đức trí con người được nâng cao” theo lời học giả Nguyễn Hiến Lê.

Giờ đây, Trung Quốc tôn vinh lại di sản tư tưởng của cụ cũng tốt. Nếu vua quan ai cũng Nhân, cũng Trí, cũng Quân Tử như cụ dạy thì xã hội Trung Quốc có lẽ sẽ là một hình mẫu để thế giới học tập. Nếu chính sách đối ngoại cũng trên tinh thần “đại đồng”, “sửa văn đức để người ta đến với mình” như cụ dạy, các quốc gia láng giềng khu vực cũng sẽ an vui bắt tay chặt hơn nữa với Trung Quốc.

Nhưng, người nào đã học cụ Khổng cũng phải nhớ đến luận điểm cơ bản, xuyên suốt trong học thuyết của cụ. Đó là Chính Danh, Danh không chính thì ngôn không thuận, ngôn không thuận thì việc không thành. Cụ cũng dạy: muốn Danh chính thì thân phải chính, muốn thân chính thì ngôn phải chính: nghĩa là lời nói và việc làm phải hợp nhau, không nói nhiều làm ít, nói thế này làm thế khác.

Trung Quốc đã tuyên ngôn lại tư tưởng “xã hội hòa hợp, thế giới đại đồng” của cụ Khổng từ 2500 năm trước. Nếu Trung Quốc làm ngược lại với điều ấy, e rằng lời cụ năm xưa lại ứng nghiệm, mọi việc sẽ không thành nếu ngôn không thuận. Hàng trăm học viện Khổng Tử có thể sẽ không tạo ra hiệu quả truyền bá và ảnh hưởng như mong muốn nếu như Trung Quốc có những hành động ngược với lời Khổng tử.

Tôn vinh đạo Khổng sẽ thực sự hiệu quả từ những điều nhỏ nhất: Trung Quốc không để xảy ra tình trạng đâm tàu, bắt giam và đánh đập ngư dân Việt Nam như trong thời gian vừa qua được nữa.

Khánh Duy

 

Chuyện cặp nhẫn cưới vàng của tha nhân

Tháng Mười Một 5, 2009

Z21-D
1.

“Con sư tử vàng của thầy Pháp Tạng” là cuốn sách mới nhất của thầy Nhất Hạnh. Cuốn sách là lời bình giảng của thiền sư Thích Nhất Hạnh về bài kinh “Con sư tử vàng” của thầy Pháp Tạng, một trong những sư tổ của Hoa Nghiêm Tông (tông phái nổi bật trong lịch sử Phật Giáo).

Thầy Pháp Tạng sống ở Trung Quốc vào thế kỷ 7, thời hoàng hậu Võ Tắc Thiên. Nữ hoàng đương thời rất thích nghe thầy giảng. Một hôm, bà mời thầy vào cung. Thầy Pháp Tạng bằng trí tuệ tuyệt vời đã cầm một con sư tử vàng trong cung cấm, coi nó như ví dụ để diễn giải cho Võ Tắc Thiên nghe về toàn bộ giáo lý nhà Phật theo trường phái Hoa Nghiêm.

Lần giở hết cuốn sách này, tôi lại không nghĩ nhiều đến Con sư tử vàng của thầy Pháp Tạng, lại nghĩ về câu chuyện cặp nhẫn cưới vàng của tha nhân.

2.

Có cặp vợ chồng nọ rất giàu có, khi cưới nhau, họ đặt mua hẳn một đôi nhẫn cưới vàng đính kim cương “xịn” rất đắt tiền từ Châu Âu. Đeo một thời gian, thấy đôi nhẫn đẹp quá mà đeo thì phí, cô vợ “trưng bày” đôi nhẫn ấy trong chiếc tủ kính ở phòng ngủ.

Đứa giúp việc một hôm nảy sinh lòng tham lấy cặp nhẫn ấy đem bán rồi bỏ về quê. Anh chồng biết nhẫn mất, tiếc cặp nhẫn kỷ niệm hôn nhân, tát cô vợ vì đã để “hớ hênh” dẫn đến mất kỷ vật. Hình tượng người chồng bỗng sụp đổ trong lòng cô vợ.

Nhẫn mất, tình yêu cũng mất dần. Vài năm sau, họ chia tay…

Nguyên nhân của mọi nguyên nhân có phải chỉ tại cặp nhẫn vàng?

Giáo lý Hoa Nghiêm dạy ta rằng không phải thế.

Đứa giúp việc chỉ nhìn thấy “vàng” ở cặp nhẫn, vàng ở đây là thứ kim loại quý, thứ tài sản bán được nhiều tiền. Cô vợ chỉ nhìn thấy “nhẫn” ở cặp nhẫn, nó là thứ trang sức nghệ thuật đẹp lộng lẫy từ Âu Châu nên phải “trưng bày”. Anh chồng lại chỉ nhìn thấy “cưới” ở cặp nhẫn, đó là kỷ niệm của một tình yêu. Chỉ một cặp nhẫn cưới vàng mà 3 cá nhân ấy nhìn nhận theo 3 cách hoàn toàn khác nhau.

Do nhìn nhận khác nhau mà đứa giúp việc sinh tâm tham ăn cắp nhẫn, cô vợ sinh tâm ái trưng bày nhẫn, anh chồng sinh tâm giận tát vợ. Mâu thuẫn dẫn tới đổ vỡ nẩy sinh từ những hình tượng khác nhau về cặp nhẫn cưới mà mỗi cá nhân đã tự tạo tác trong họ.

Lỗi không phải tại cặp nhẫn cưới vàng, lỗi tại cách mỗi con người nhìn nhận nó. Con mắt chỉ nhìn thấy những gì mà trái tim và cái tâm muốn thấy.

Con người đã chỉ nhìn thấy thế giới hiện tượng, “vàng”, “nhẫn” và “cưới” đều là thế giới hiện tượng hư ảo nẩy sinh trong tâm ý, trong khi bản chất thật của cặp nhẫn cưới vàng ấy đơn giản chỉ là sự kết hợp của những phân tử vàng, Au. Những phân tử Au “hồn nhiên” ấy nào có tội tình gì.

Con người đã tham lam, sân hận, si mê vào một thế giới hiện tượng ảo. Thầy Nhất Hạnh nhiều lần dùng ví dụ xem phim để người đọc thấy sự vô lý trong việc tự huyễn mình vào những biểu tượng không có thật.

“Khi nhìn những hình ảnh trên màn ảnh, dù biết chúng là ảo mà ta vẫn khóc, vẫn buồn, vẫn giận như thường. Đó gọi là vọng tình. Khi yêu hay ghét ai cũng vậy, ta tạo ra một hình ảnh rồi ta yêu, ghét hay giận chính hình ảnh đó.” Đó là “tâm ý sai lầm của ta. Thấy được như vậy rồi, ta sẽ không còn bị những cái giả lừa gạt nữa.”

3.

Giáo lý Hoa Nghiêm không dừng lại ở việc giải thích tâm ý như trong câu chuyện nói trên. Hoa Nghiêm là một hệ tư tưởng triết học vẹn tròn trên cả ba cấp độ: tâm lý cá nhân, bản chất thực thể và lý giải vũ trụ. Những phát hiện mới của khoa học trong lĩnh vực lượng tử và vụ trụ có những điểm trùng hợp kỳ lạ với những phát hiện bằng trực giác của các tổ sư Hoa Nghiêm tông.

Thầy Pháp Tạng là sư tổ lỗi lạc nhất đã hệ thống hóa giáo lý này, “Con sư tử vàng” là bài kinh ngắn nhưng diễn giải đầy đủ những điểm cốt yếu của Hoa Nghiêm. Chính vì thế, dù đã được thầy Nhất Hạnh lý giải cặn kẽ bằng nhiều ví dụ thực tiễn, cuốn sách vẫn trừu tượng và có nhiều thuật ngữ không dễ hiểu với nhiều người.

Tuy vậy, đọc lại một vài lần với sự kiên tâm, cuốn sách trở nên dễ hiểu. Sách dậy: “Đi tìm Niết bàn ở đâu? Tìm ngay trong Sinh tử.” Vậy có lẽ: Đi tìm sự dễ hiểu, đơn giản và minh triết ở đâu? Phải tìm ngay trong sự khó hiểu đó.

Khánh Duy

Theo dấu Cách mạng ở Saint Petersburg

Tháng Mười Một 5, 2009

1.

Ông Osho có một lý thuyết chu kỳ 7 năm về tâm tính con người. Ông nói rằng: 21 tuổi ai cũng là kẻ nổi loạn, cũng là nhà cách mạng; 28 tuổi, mọi kẻ nổi loạn đều trở nên ôn hòa; đến năm 35 tuổi, những người cách mạng nhất rồi cũng trở thành phản cách mạng.

Tôi thấy lý thuyết của Osho khá đúng với mình, qua tuổi 28, tôi không còn hứng thú nhiều với những ý niệm về Cách mạng.

Nhưng đến Saint Petersburg, tôi vẫn đi tìm, vẫn lần theo những dấu vết của Cách mạng. Thành phố chỉ có lịch sử hơn 300 năm tuổi này lại là thành phố nổi tiếng ở châu Âu bởi những cuộc Cách mạng. Ít nhất đã có 3 cuộc Cách mạng, chính xác hơn là 4 nếu kể cả cuộc khởi nghĩa nổi tiếng vào tháng Chạp năm 1825.

Xe dẫn chúng tôi xuôi theo đại lộ vào trung tâm thành phố bên bờ dòng sông Neva. Dòng sông đẹp, thơ mộng và phẳng lặng quá, có ai ngờ, sóng cách mạng nhiều năm đã nổi ở hai bờ.

2.

 

Tượng đài Piốt Đại Đế cưỡi con ngựa tung vó hùng tráng nằm giữa Quảng trường nhìn thẳng ra sông Neva. Chính tại Quảng trường Thượng nghị viện này đây, vào năm 1825, những trí thức và quý tộc tiến bộ nhất đã làm cuộc khởi nghĩa đòi dân chủ dưới chế độ của Nga hoàng Nicolas I. Cuộc khởi nghĩa tất nhiên bị Nga hoàng đàn áp và những người cấp tiến chủ mưu đã bị treo cổ, số còn lại bị đày ra Siberia.

Rất nhiều trong số những khởi nghĩa là bạn bè của nhà thơ Pushkin, những vần thơ tự do của nhà thơ đã được lưu truyền trước đó đã góp phần tạo cảm hứng cho khởi nghĩa.

Gió, gió đâu, cuộn ao tù thành thác,

Phá tan tành đập chắn âm u!
Giông tố đâu – hình ảnh của tự do,
Hãy phả lên mặt nước tù u uất!
Bản thân Puskin thời điểm đó không có mặt ở Saint Petersburg, ông đang bị đi đày do những vần thơ tự do. Năm 1826, khi được cho phép trở về thành phố, Pushkin đã vào yết kiến Nga hoàng. Nicolas I hỏi Pushkin rằng liệu nếu năm 1925 có mặt ở đây thì ông có tham gia vào nhóm làm phản không.

Nhà thơ kiêu hãnh đáp:

– Nhất định là có, thưa bệ hạ! Tất cả bạn bè của hạ thần đều can dự vào mưu mô này cho nên chắc hạ thần không thể không tham gia được.

Nhà thơ sau đó bị quản thúc tiếp và nước Nga hậu khởi nghĩa bước vào một giai đoạn suy sụp, Nicolas I đã ban hành những chính sách bảo thủ và áp đặt trật tự quân đội khắp nơi.

3.

Xe đưa chúng tôi đi qua cung điện Mùa đông bên bờ Neva, nơi giờ đây là bảo tàng Ermitage. Cung điện xa hoa lộng lẫy này đã chứng kiến trọn vẹn những cuộc Cách mạng sau này trên đất Nga.

 

Vào ngày chủ nhật lịch sử, 9-1-1905, 140 ngàn người đã biểu tình qua Cung điện này để dâng Nga hoàng bản thỉnh nguyện. Nga hoàng ở đâu không biết, chỉ thấy kỵ binh, cảnh binh xả súng bắn vào đoàn biểu tình. Ngày Chủ nhật đẫm máu kết thúc với 1000 người chết và 5000 người bị thương.

Cuộc Cách mạng bi thảm ấy sau này được ghi vào lịch sử với cái tên Cách mạng 1905.

Nước Nga phải chờ đợi thêm 12 mùa tuyết rơi nữa mới có một cuộc Cách mạng thứ hai. Ngày 23-2-1917, khi thời tiết xuống tới âm 43 độ, 200.000 người đã xuống đường biểu tình dọc theo bờ Neva dày đặc tuyết để đòi dân chủ, tự do, cơm ăn áo mặc. 1300 người ngã xuống để có được một Chính phủ lâm thời gồm đại diện của nhiều đảng phái thuộc tất cả các phe ở Nga: quý tộc, tư sản, vô sản…

Gần 100 năm sau, những câu thơ của Pushkin mới linh ứng:

Hỡi đồng chí hãy vững lòng tin tưởng:

Sao hạnh phúc nguy nga rồi hiện sáng,
Cả nước Nga sẽ bừng tỉnh cơn mê,
Ngày mai đây hậu thế viết tên ta
Trên đống vụn của chính quyền độc đoán.

Đêm đó, Nga hoàng Nicolas II từ ngôi chấm dứt 300 ngự trị của dòng họ Romanov, trước đó, ít người nghĩ rằng đế chế quyền lực, xa hoa ấy lại có thể sụp đổ nhanh chóng đến vậy chỉ sau 100 giờ biểu tình.

4.

Những hạt tuyết đầu mùa bắt đầu rơi trên khắp thành phố Saint Petersburg. Mưa và tuyết khiến chúng tôi chỉ có thể đi qua chứ không dừng lại chụp ảnh được ở những di tích quan trọng. Người dẫn đoàn chỉ cho chúng tôi từ phía xa nhà ga tầu hỏa nơi Lenin đã xuống vào tháng 4 năm 1917 sau một thời gian dài lưu vong ở nước ngoài.

Nếu Lenin không về nước thời gian ấy, có lẽ, cuộc Cách mạng tháng 10 đã không xảy ra và lịch sử đã đi theo một hướng khác.

 

Từ bên này bờ Neva, phía Cung điện Mùa đông, tôi đã nhìn thấy đỉnh nhọn nhô lên của Pháo đài Peter-Pavel lịch sử ở bờ kia, công trình đầu tiên của thành phố Saint Petersburg. Nơi đây là nơi cất giữ vũ khí khổng lồ của Chính phủ lâm thời. Vào đêm trước Cách mạng, Trotsky đã một mình đến Pháo đài để thuyết phục binh lính giữ đồn đứng về phe vô sản. Không tốn một viên đạn và mất một giọt máu, Trotsky đã thành công. Nếu không, lịch sử có khi đã khác.

Nhưng lịch sử không có chữ nếu, Cách mạng đã xảy ra vào đêm 25-10-1917 theo lịch Nga cũ.

Xe lại đi qua chiến hạm Rạng đông, con tàu này khá hoành tráng đúng như trí tưởng tượng của tôi. Mưa tuyết nhưng chúng tôi cũng kịp nhẩy ra khỏi xe để chụp ảnh tàu. Vào đêm Cách mạng, Chiến hạm đã bắn những phát đại bác cảnh cáo để giai cấp vô sản tiến vào chiếm Cung điện Mùa đông nơi những thành viên nội các Kerensky đang trú ngụ.

 

Kỳ lạ thay, một cuộc cách mạng vô sản đã diễn ra sau một cuộc cách mạng tư sản chỉ có 8 tháng, diễn ra ngay ở mắt xích yếu nhất của CNTB. Thế nên phương Tây gọi cuộc Cách mạng ấy là “quái thai của lịch sử”. Giảng viên lịch sử dậy ở Nga đi cùng đoàn nói với chúng tôi rằng, giờ đây, sách lịch sử Nga cho rằng cuộc cách mạng ấy đơn thuần là “một cuộc đảo chính”.

Đúng 100 năm trước cuộc Cách mạng ấy, Pushkin viết bài thơ “Gửi các đồng chí”, nhà thơ mong muốn:

Phanh áo ghi-lê mà không kinh hoảng

Những tai ương khủng khiếp ụp lên đầu.

Mong muốn vẫn chưa thành hiện thực, quá nhiều Cách mạng nhưng những tai ương khủng khiếp nhất vẫn đang chờ để ụp lên đầu nước Nga.

5.

Cuộc Cách mạng năm 1825 kết thúc bằng các giá treo cổ thít vào những người cách mạng và cả nước Nga. Cuộc cách mạng 1905 kết thúc bằng quảng trường ngập máu. Cuộc cách mạng tháng 2-1917 chỉ tồn tại được vẻn vẹn 8 tháng tuổi còn cuộc cách mạng tháng 10 chưa tạo được thành quả nào đáng kể thì đã xuất hiện một “Sa hoàng mới”: Stalin.

 

Lịch sử cách mạng Nga dường như chỉ thay thế chế độ chuyên chế này bằng chế độ chuyên chế khác. Pushkin chắc cay đắng lắm, bức xúc lắm với đồng bào khi viết bài thơ “Người gieo giống tự do trên đồng vắng”

 

Là người gieo giống tự do trên đồng vắng
Tôi ra đi từ sáng sớm tinh mơ
Bàn tay tôi trong trẻo ngây thơ
Gieo mầm sống trên luống cày nô dịch
Nhưng tôi chỉ phí thời gian vô ích
Cả tư tưởng và việc làm thiện chí của tôi
Nhân danh thanh bình, cứ gậm cỏ đi thôi!
Tiếng vinh dự không thể làm tỉnh giấc
Tự do đâu cho một bầy súc vật?
Chúng chỉ cần cắt xẻo, cạo lông
Đời nối đời, di sản chúng nó chung
Là ách nặng đeo chuông và roi vọt

Không bao giờ có một cuộc cách mạng thành công thật sự nếu những công dân trong xã hội không có ý thức tự do và tự xây dựng những thiết chế hợp lý để bảo vệ tự do. Mặt trời của thi ca Nga đã gọi những đồng bào mình là một “bầy súc vật” không hiểu gì về tự do, thế mà ông vẫn được dựng tượng đài ở khắp nơi. Nhưng tinh thần tự do Pushkin chỉ tồn tại trong địa hạt tư tưởng, nước Nga hiện thực gần 200 năm sau khi ông mất vẫn chưa hoàn toàn “bừng tỉnh cơn mê”.

6.

Năm 21 tuổi, tôi đặc biệt say mê Cách mạng Pháp, tôi thuộc lòng những đoạn nói về cuộc Cách mạng ấy trong cuốn Những người khốn khổ của Huygo. “Muốn hiểu cách mạng là gì, hãy gọi nó là tiến bộ, muốn hiểu tiến bộ là gì, hãy gọi nó là tương lai, vậy thực chất cách mạng là gì, là quần chúng đi mua tương lai, mua bằng gì, mua bằng máu.”

Năm 28 tuổi, tôi thích một câu khác, không nhớ rõ đọc ở đâu: “Cách mạng được hoài thai bởi những thiên tài, thực hiện bởi những kẻ cuồng tín còn thành quả của nó thì bị những kẻ cơ hội lợi dụng.”

Ở Saint Petersburg, tôi lại thấy một lần nữa và rõ ràng hơn sự vô nghĩa của những cuộc Cách mạng lật đổ đã diễn ra trên đất Nga. Những cuộc Cách mạng chỉ tìm cách đạp đổ thật nhanh chế độ độc tài cũ nhưng lại không tìm cách xây dựng một hệ thống cân bằng để ngăn chặn lịch sử lập lại. Kết quả là, Cách mạng chỉ như một con lắc, đi từ trạng thái cực đoan này sang trạng thái cực đoan khác, tạo ra những thể chế mới còn khủng khiếp hơn những thế chế cũ.

Nhưng, tôi vẫn nuối tiếc những lý tưởng tự do đẹp đẽ trong những thời khắc ban đầu huy hoàng của Cách mạng. Có một câu rất hay “Tự do là ngọn lửa đầu tiên thổi bùng những đám cháy cách mạng. Cũng là cơn hồng thủy cuối cùng dìm tắt những đám cháy ấy.”

Vì tự do, con người làm cách mạng, nhưng chính sự mất tự do trong thể chế mới lại làm cho cảm hứng cách mạng ấy nhanh chóng vùi tắt.

Osho viết lý thuyết chu kỳ 7 năm của ông trong một cuốn sách có tên: “Trưởng thành – Trách nhiệm là chính mình”.

Còn tôi vẫn phân vân không biết khi con người tự đánh mất đi lý tưởng Cách mạng để trở thành những kẻ ôn hòa hay thậm chí phản cách mạng thì đó là trưởng thành hay tha hóa?

Khánh Duy

Cuộc khủng hoảng chia đôi thế giới

Tháng Chín 25, 2009

Cuộc khủng hoảng tài chính 2008 vừa qua đã chia đôi thế giới xét trên cả khía cạnh tư tưởng hệ lẫn hiện thực. Trung Quốc đã nổi lên như một đối cực chắc chắn của Mỹ.

Khúc khải hoàn ca của hệ tư tưởng Mỹ

20 năm trước, năm 1989, học giả Francis Fukuyama công bố bài luận nổi tiếng thế giới “Sự cáo chung của lịch sử”. Trong bối cảnh tan rã của Liên Xô và Đông Âu, Fukuyama đã “cảm thấy một cái gì đó rất căn bản đã diễn ra trong lịch sử thế giới”, đó là ‘khúc khải hoàn ca lừng lẫy” của tư tưởng tự do phương Tây trước các ý thức hệ khác.

Fukuyama nhận định rằng lịch sử đã kết thúc ở mô hình tự do dân chủ phương Tây và thực chất đã kết thúc trong địa hạt tư tưởng bởi Hegel từ năm 1806 với những lý tưởng cao đẹp của cách mạng Pháp. Những diễn biến trong giai đoạn bức tường Berlin sụp đổ đó đã củng cố tính vững chắc về mặt thực tiễn cho nhận định của Fukuyama.

Năm 2009, chúng ta cũng đang “mơ hồ cảm thấy có một quá trình nào đó to lớn hơn đang vận động” như Fukuyama nhận định 20 năm trước. Tiếc là, chiều hướng của sự vận động có vẻ như trái với những kết luận của Fukuyama.

Trước khi cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 nổ ra, thế giới vẫn dường như vận động  theo một quỹ đạo đã được lập trình mặc định bởi phương Tây mà đứng đầu là Mỹ. Mỹ đã tạo ra sân chơi và xác lập luật chơi theo hệ giá trị của họ trong quá trình dài suốt hơn 60 năm qua nếu kể từ thời điểm sau Thế chiến II.

Những mốc quan trọng trong quá trình xác lập giá trị Mỹ có thể bắt đầu từ năm 1944 với hội nghị Bretton Wood và xác lập mạnh mẽ vào năm 1988 với Đồng thuận Washington. Tinh thần chung của hệ giá trị ấy là tự do, tư nhân hóa và phi điều tiết. 2 thập kỷ của các Hiệp định thương mại tự do hậu bức tường Berlin tiếp tục củng cố hệ tư tưởng ấy.

Nước Mỹ và phương Tây đã trải qua giai đoạn thịnh vượng chưa từng thấy, Fukuyama đã đúng và tiếng kèn trompet đã ngân vang bài ca chiến thắng cho Mỹ và phương Tây suốt 20 năm sau chiến tranh lạnh. Ở nhiều nơi trên thế giới, vẫn còn những hệ giá trị khác biệt nhưng quan niệm chung vẫn là rồi chung cuộc, tất cả sẽ phải quy tụ dưới chân tượng nữ thần tự do của Mỹ.

“Ông thầy” đã sai

 Nhưng, cú sụt trên thị trường nhà đất Hoa Kỳ và những công cụ tài chính phái sinh đã làm rung chuyển nền kinh tế Mỹ. Cú sốc tài chính không chỉ làm rạn nứt nền kinh tế, nó đã làm rạn nứt một tư tưởng hệ. Ngay cả đến một môn đồ suốt đời tôn thờ chủ nghĩa tự do như cựu chủ tịch FED Alan Greenspan cuối cùng còn phải cay đắng nhận định rằng những niềm tin của ông đã bị lung lạc.

 Mới chỉ cách đây 2 năm, bộ trưởng tài chính Mỹ dưới thời Bush còn đang say sưa thuyết giảng về lý tưởng tự do ở Thượng Hải. “Thầy giáo” nói: ““Một thị trường tài chính mở cửa, cạnh tranh và tự do hóa, sẽ có thể phân bố các nguồn tài nguyên hiếm hoi một cách hiệu quả, bền vững, và thịnh vượng hơn một thị trường có sự can thiệp của chính phủ”

 Rồi khủng hoảng nổ ra, phó thủ tướng Trung Quốc Vương Kỳ Thâm nói với đồng nghiệp Mỹ: “Thầy giáo bây giờ gặp nhiều vấn đề rồi.” Còn chủ tịch Uỷ ban Kiểm tra Ngân hàng Trung Quốc thì nói: “Cuối cùng, chúng tôi đã hiểu được rằng nhiều điều mà ông thầy dậy chúng tôi là sai lầm” Từ bao giờ, Trung Quốc đã đủ quyền mỉa mai “ông thầy” Mỹ.

 Đặc trưng của một số quốc gia như Trung Quốc hay Nga là nhà nước nắm quyền lực tập trung về chính trị, giữ kiểm soát các ngành công nghiệp quan trọng, hỗ trợ vật chất và chính sách cho các tập đoàn nhà nước, can thiệp sâu bằng nhiều biện pháp vào nền kinh tế. Có thể tạm gọi nó bằng một cái tên là chủ nghĩa tư bản tập quyền nhà nước.

 Mỹ và phương Tây vẫn chẳng tiếc lời phê phán mô hình trên và cổ vũ cho một chủ nghĩa tư bản tự do thị trường. Quan niệm phổ thông luôn là: nhà nước luôn ngu ngốc và chỉ có thị trường mới đủ thông minh để giải quyết mọi vấn đề và đáp ứng mọi nhu cầu của nền kinh tế.

 Khủng hoảng 2008 ập đến, mọi thứ bổng đổi thay. Giờ đây, Mỹ và phương Tây lại mua cổ phần, quốc hữu hóa các định chế tài chính, tập đoàn xe hơi; bỏ tiền cấp cứu nhiều ngành công nghiệp gặp khó khăn; thắt chặt kiểm soát và điều tiết hệ thống tài chính. Nước Mỹ có đang làm cái mà họ vẫn phê phán Trung Quốc?

 Chẳng thế mà, tờ Daily Telegraph giật tít mỉa mai: “Chào các đồng chí, giờ chúng ta đã trở thành xã hội chủ nghĩa”

 Niềm tin vào chủ nghĩa tư bản tự do ở Mỹ bị suy suyển thì ngược lại, ở Trung Quốc, hệ giá trị “màu sắc Trung Quốc” như vậy lại được củng cố. Buồn cười là, câu nói nổi tiếng của Đặng Tiểu Bình để ủng hộ chủ trương cải cách: “Mèo trắng hay mèo đen miễn bắt được chuột ấy là mèo tốt” giờ đây lại được sử dụng với mục đích ngược lại. Các biện pháp Trung Quốc “bảo thủ” đang dùng chưa chắc đã đúng với sách giáo khoa kinh tế chính trị của Mỹ nhưng ‘miễn là bắt được chuột” thì ta cứ dùng.

 Trung Quốc nhìn thấy những hậu quả của mô hình Mỹ và giờ đây giới tinh hoa cũng phải tự hỏi đâu là giới hạn của đổi mới và cải cách? Câu hỏi đó xác định tương lai Trung Quốc và  cuộc khủng hoảng này có thể sẽ làm Trung Quốc siết lại thêm nữa những giới hạn đó.

 Vòng khuynh loát của Trung Quốc

 Không còn nghi ngờ gì nữa, cuộc khủng hoảng tài chính vừa qua đã làm xói mòn sức mạnh kinh tế tài chính của Mỹ. Đó là sự xói mòn vật chất, nhưng không chỉ thế, sức mạnh tinh thần Mỹ là hệ tư tưởng tự do cũng đã bị xói mòn, rạn nứt. 

 Fukuyama, cha đẻ của quan niệm lịch sử cáo chung, trong một bài luận gần đây đã phải thừa nhận rằng: hai giá trị quan trọng nhất là Tự do và Dân chủ kiểu Mỹ đang bị thách thức chưa từng thấy. Nếu nước Mỹ không tìm lại được thứ quyền lực mềm ấy, nước Mỹ sẽ phải nhường sân khấu cho những nhân vật khác.

 Nhật vật đó có thể là ai khác nếu không phải là Trung Quốc. Sự nổi lên và bành trướng của Trung Quốc với một hệ giá trị khác đã biến vết rạn trong tư tưởng của Mỹ trở nên sâu sắc thêm trong hiện thực.

 Trung Quốc đã phát triển tốc độ nhanh trong 30 năm qua nhờ mô hình chủ nghĩa tư bản có sự can thiệp mạnh của nhà nước. Mới đây, Nhân dân Nhật Báo Trung Quốc khôn khéo trấn an phương Tây: “không thể có chuyện mô hình Trung Quốc sẽ được lan truyền rộng rãi. Phương Tây chẳng cần phải lo lắng về điều này…”

 Tờ Nhân Dân của Trung Quốc vội vàng bác bỏ khả năng Trung Quốc muốn “xuất khẩu” mô hình của mình như Liên Xô ngày trước để tạo ra đối cực với mô hình Mỹ, thanh minh rằng nước này không có ý đồ ảnh hưởng địa chính trị tới các quốc gia đang phát triển khác bằng mô hình của mình.

 Nhưng nhìn những bước chân rầm rập của người Trung Quốc ra khắp thế giới trong khoảng thời gian gần đây, người ta thấy điều ngược lại. Trung Quốc đã và đang phát huy ảnh hưởng mạnh mẽ của mình bằng nhiều phương cách từ viện trợ tới đầu tư lên các quốc gia láng giềng gần gũi như Lào, Campuchia, Myanmar…. cho tới những quốc gia ở Châu Phi xa xôi. Trung Quốc đã trỗi dậy và còn đang mở rộng vòng khuynh loát của mình với một tốc độ và cường độ đáng nể phục.

 Nửa đùa nửa thật, báo chí phương Tây tự hỏi liệu có đến một thời điểm mà thế giới sẽ đi theo “Đồng thuận Bắc Kinh” chứ không còn theo “Đồng thuận Washington” nữa. Tinh thần của Đồng thuận ấy chắc sẽ là: tăng tập quyền và điều tiết mạnh hơn, ngược với Đồng thuận cũ.

 Bắc Kinh sẽ đi viện trợ, cho vay khắp thế giới với điều kiện các quốc gia đi vay phải điều tiết mạnh hơn, quản lý chặt hơn và nhà nước hóa. Đương nhiên, cũng như Mỹ, Nhật Bản, phương Tây viện trợ bây giờ, điều kiện đi kèm sẽ là sự thâm nhập của công ty và hàng hóa Trung Quốc vào tài nguyên và thị trường nội địa.

 ‘Đồng thuận Bắc Kinh” có thể là chuyện đùa phi hiện thực nhưng những động thái viện trợ, cho vay, tài trợ như kể trên của Trung Quốc với các nước nghèo hơn là chuyện thật sờ sờ trước mắt. Mà đâu chỉ nước nghèo, đừng quên Trung Quốc chính là chủ nợ lớn nhất của Mỹ. Bán kính của vòng khuynh loát ngày càng dài hơn khiến không ít người mơ hồ cảm thấy bóng dáng của một trật tự mới đang manh nha định hình trong thế giới hiện thực.

 Bình minh của lịch sử

 Cuộc khủng hoảng Made in America này đã làm cho nước Mỹ ngậm ngùi đi xuống còn Trung Quốc lại đang phơi phới đi lên. Phóng tầm mắt nhìn vào tương lai, có thể thấy Mỹ – Trung sẽ là hai cực lớn nhất trong một bàn cờ có thêm các cực khác nhỏ hơn. Xét trên khía cạnh cân bằng chính trị quốc tế, cuộc khủng hoảng này sẽ là điểm khởi phát cho một thế giới chia đôi như vậy. Mỹ sẽ không còn nắm quyền bá chủ được nữa.

 Kết luận trong báo cáo mới đây của Hội đồng tình báo Quốc gia Mỹ về tương lai củng cố cho nhận định đó: “Khủng hoảng mở đầu tiến trình tái cân bằng nền kinh tế toàn cầu. Của cải sẽ tập trung nhiều hơn vào tay nhà nước.”

 Câu “của cải sẽ tập trung nhiều hơn vào tay nhà nước” có thể ám chỉ sự nổi lên của Trung Quốc trong tương quan đối trọng với Mỹ, của mô hình tư bản tập quyền nhà nước đối trọng với mô hình tư bản thị trường tự do.

 Trong một thế giới đang ngày càng phực hợp và hợp tác hơn, sẽ là không hoàn toàn chính xác nếu quy giản nó về thành cuộc cạnh tranh giữa hai thế lực đối nghịch với hai tư tưởng hệ như thời chiến tranh lạnh. Nhưng, xét trên một khía cạnh nào đó, một quy giản như vậy có thể cho ta một khuôn khổ hình dung dễ dàng hơn vào thế giới thực.

 Francis Fukuyama viết trong bài luận năm 1989 rằng chúng ta đang ở giai đoạn hoàng hôn của lịch sử nhưng đến câu cuối cùng, ông lại phân vân: “Có lẽ chính cái viễn cảnh buồn chán kéo dài hàng thế kỷ như thế khi lịch sử cáo chung, sẽ làm cho lịch sử một lần nữa bắt đầu.” Quả đúng thế, lịch sử lại đang bước sang vào một buổi bình minh mới nơi chủ nghĩa tự do theo mô hình Mỹ đang phải đối mặt với thách thức từ Trung Quốc và mô hình mang màu sắc của họ.

 Trật tự chia đôi sẽ dẫn thế giới này đi tới kết cục như thế nào? Liệu đây có phải là cuộc chiến cuối cùng của lịch sử trước khi thật sự kết thúc? Trong giai đoạn nhá nhem, tranh tối tranh sáng này của buổi bình minh, ngay cả trật tự mới cũng chưa được nhìn thấy rõ ràng thì những câu hỏi ở tương lai xa như trên chưa thể trả lời được.

 Nhưng có một điều đúng như báo chí phương Tây nhận định, “các lực lịch sử đang làm chuyển dịch trọng tâm thế giới ra xa dần nước Mỹ”. Chắc chắn, cuộc khủng hoảng 2008 là một yếu tố chủ lực góp phần tái cấu trúc lại để tạo ra một trật tự thế giới mới trong đó Trung Quốc tạm thời trở thành một cực quan trọng trong thế giới hiện thực.

 Khánh Duy

Sân Golf, truyền thông và chính quyền

Tháng Tám 23, 2009

Quyết định xóa sổ 10 sân golf vừa qua đã cho thấy sự tương tác hợp lý giữa chính quyền, truyền thông và lợi ích của người dân.

Hồi tháng 4, thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu các bộ ngành rà soát lại việc quy hoạch sân golf, đồng thời đánh giá lại hiệu quả các sân golf đã được cấp phép đầu tư.

Tuần này, UBND thành phố Hà Nội quyết định xóa sổ 10 sân golf trong địa bàn thủ đô, bao gồm cả những dự án đình đám như Khu luyện tập thể thao và vui chơi giải trí Mễ Trì, Khu sinh thái và vui chơi giải trí Tuần Châu Hà Tây, Sân Temple Lake Golf & Resort Chương Mỹ, Khu sân golf – resort – vui chơi giải trí cao cấp Hồ Cầm Quỳ.

Như vậy, từ chỉ đạo của thủ tướng tới quyết định dừng đầu tư một loạt những sân golf của lãnh đạo Hà Nội chỉ trong vòng 4 tháng. Khoảng thời gian không dài, và chắc chắn để đưa ra được quyết định đó, trong suốt 4 tháng qua, chính quyền đã liên tục tham vấn các Bộ, ngành, các chuyên gia đặc biệt là từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Rất nhiều bộ phận đã đóng góp vài thành công của chính sách trên, một phần trong đó không thể không kể tới vai trò của truyền thông. Trong vụ việc với sân golf, truyền thông và chính quyền đã có sự tương tác hợp lý theo đúng những nguyên tắc, cách thức chuẩn mực của xã hội dân chủ.

Theo lý thuyết hiện đại, truyền thông có thể tác động tới kết cục chính trị theo 3 cách: sàng lọc, thiết lập kỷ luậtthu hút sự quan tâm chính trị.

Sàng lọc

Sàng lọc là quá trình truyền thống giúp soi rọi vào những góc khuất của xã hội, tấn công nhằm loại bỏ những chính khách hoặc chính sách chưa tốt. Trong vụ việc với sân golf, báo chí đã chỉ ra khá rõ ràng dự án sân golf nào chiếm quá nhiều đất công và ảnh hưởng tới những công trình khác.

Lấy sân golf Mễ Trì làm ví dụ, dự án này đã được báo chí “mổ xẻ” khi chiếm tới 26,8ha đất ngay gần Trung tâm Hội nghị Quốc gia. Quyết định “nhồi nhét” một sân golf vào khu vực trung tâm của một thủ đô chật chội trong khi Hà Nội đang “thừa” sân golf là một bất hợp lý đã được các chuyên gia quy hoạch, kiến trúc sư lên tiếng phản biện công khai trên các phương tiện truyền thông.  

Những phản biện đó đóng vai trò “sàng lọc”, góp tiếng nói với chính quyền loại bỏ dự án Mễ Trì ra khỏi danh sách được đầu tư.

Thiết lập kỷ luật

Thiết lập kỷ luật là một vai trò quan trọng khác của truyền thông trong quá trình tác động tới quyết định chính trị. Lấy trường hợp sân golf làm ví dụ: các cơ quan truyền thông đã đồng loạt lên tiếng về hiện tượng chủ đầu tư xin đất làm sân golf nhưng thực chất để xây dựng trong đó những biệt thự, resort để bán hoặc cho thuê.

Dự án xây sân golf cuối cùng lại là dự án bất động sản “núp” dưới những mỹ từ rất kêu “khu đô thị sinh thái”. Hãy để ý những tên sân golf đã bị dừng đầu tư theo quyết định vừa rồi của lãnh đạo Hà Nội, chúng ta có thể thấy điều đó: Khu du lịch đô thị sinh thái và sân golf Phú Mãn (Cty XNK tổng hợp Hà Nội);  Khu đô thị du lịch sinh thái và sân golf  Long Biên (Cty CP Vincom);  Sân golf 36 lỗ kết hợp công viên cây xanh và khu du lịch Thanh Trì (Cty TNHH Sản xuất kinh doanh XNK Bình Minh Bitexco).

Ngoài ra, câu chuyện sân golf lấn chiếm đất nông nghiệp của nông dân, khiến không ít gia đình mất tư liệu sản xuất, phải sống vất vưởng bằng những nghề không phù hợp với sở trường đã được phản ánh nhiều và tới được “tai” những người có thẩm quyền.

Khi quyết định xem xét lại các dự án sân golf, lãnh đạo Hà Nội đã đề ra nguyên tắc chung “hạn chế tối đa việc sử dụng đất lúa”. Và trong các dự án bị xóa sổ vừa rồi, người ta thấy có tên những dự án dự tính sẽ “siêu lấn lúa” như Khu du lịch sinh thái và vui chơi giải trí Tuần Châu với 198,2 h, Temple Lake golf & resort với 97,51 ha “lấn lúa”.

 Loại bỏ những dân golf chiếm đất nông nghiệp để đầu cơ bất động sản là chính là quá trình “thiết lập kỷ luật”, quá trình ấy có tác động không nhỏ của giới truyền thông.

Thu hút sự quan tâm chính trị

 Câu chuyện sân golf nóng trên nhiều mặt báo đã đưa sân golf trở thành vấn đề trung tâm của những tranh luận chính trị, là thước đo để nhân dân nhìn nhận cách hành xử của chính quyền. Nhóm dân cư bị tổn thương bởi những dự án sân golf phải được chú ý và đưa vào chương trình chính trị.

 Một số bài báo còn đặt vấn đề quyết liệt khi cho rằng, quá nhiều sân golf xa xỉ là sự thể hiện ra bên ngoài khoảng cách giàu nghèo trên thực tế, tạo ra khoảng cách giàu nghèo, phân biệt đối xử trong tâm lý số đông quần chúng thu nhập thấp. Điều này bất lợi cho uy tín chính trị của chính quyền.

 Quyết định xóa sổ 10 sân golf vừa rồi cho thấy chính quyền đã có những phản ứng lại nhạy bén và hợp lý để giữ uy tín và chiếm lại tình cảm của người dân. Còn truyền thông đã đóng vai trò cung cấp thông tin, dẫn dắt vấn đề để chính quyền đi tới quyết định ấy. Sự tương tác hai chiều đó rất hợp lý trong một xã hội dân chủ, và truyền thông đã làm tốt vai trò giám sát của mình.

 Khánh Duy

Tập đoàn: “Săn hai thỏ, về tay không”

Tháng Tám 23, 2009

Các nhà bình luận đã nói nhiều tới những bất cập của mô hình mở rộng tập đoàn Việt Nam dưới góc độ kinh tế vĩ mô. Nhưng, hãy thử nhìn đổi góc nhìn sang vi mô để xem liệu chiến lược mở rộng ấy có hiệu quả hay không?

Bức tranh còn nhiều mảng tối

Báo cáo kết quả giám sát các tập đoàn, tổng công ty nhà nước vừa được trình lên Quốc hội cho biết: hiệu quả sử dụng vốn của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước chưa tương xứng với quy mô, vị trí và vai trò của các thực thể đó trong nền kinh tế.

Tới 25% số đơn vị báo cáo có mức lợi nhuận âm hoặc dưới 5%, 47,2% số đơn vị báo cáo có mức lợi nhuận dưới 10%.

Có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng làm ăn kém hiệu quả của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Trong số đó, không thể không kể tới việc các thực thể nói trên đầu tư tràn lan sang các lĩnh vực “ăn xổi ở thì” khác như chứng khoán, bất động sản…

Có tất cả 47 tập đoàn, tổng công ty tham gia đầu tư vào lĩnh vực này với tổng số vốn đầu tư vào cuối năm 2006 lên tới 6 nghìn 434 tỷ đồng, cuối năm 2007 là 16 nghìn 190 tỷ đồng và cuối năm 2008 là 21 nghìn 164 tỷ đồng.

Kết quả là, càng đầu tư, hiệu quả càng không cao. Tính đến 31/12/2008, hầu hết các tập đoàn, tổng công ty đều không phát sinh lợi nhuận hoặc lỗ từ những khoản đầu tư vào chứng khoán và góp vốn quỹ đầu tư. Thực tế đó góp phần làm “ốm yếu” thêm thể trạng các tập đoàn.

Câu chuyện các tập đoàn đầu tư tràn lan không hiệu quả, làm phức tạp thêm bức tranh kinh tế vĩ mô và gây khó khăn phần nào cho nhà nước trong việc quản lý nền kinh tế đã được đề cập quá nhiều và không còn gì mới nữa.

Bây giờ, hãy thử đặt một vấn đề theo hướng khác? Từ nội tại bản thân mỗi tập đoàn, tại sao họ lại có xu hướng mở rộng như vậy và làm như thế có mang lại hiệu quả hay không xét từ giác độ chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp. Những phân tích dưới đây dựa trên giả định lãnh đạo các tập đoàn đưa ra quyết định trên cơ sở duy lý, nghĩ tới lợi ích của doanh nghiệp. Tuy trên thực tế, trong nhiều trường hợp không hoàn toàn như vậy. 

Mở rộng hay đi vào ngõ cụt

Al Ries, một nhà nghiên cứu về chiến lược công ty, đã từng có một ví von thú vị rằng công ty như cái tủ quần áo, một vài tuần sau khi sắp xếp lại ngăn nắp, nó lại rối beng lên. Hay nói cách khác, các tập đoàn thường có xu hướng thích mở rộng “lung tung” sang các mảng khác nhau.

Thập niên 80, 90 ở Mỹ có thể coi là thập niên mở rộng của các tập đoàn. Lịch sử thành bại của các tập đoàn trong giai đoạn này đã cho thấy nhiều bài học giá trị. Kết luận rút ra từ những phi vụ mở rộng đình đám trong giai đoạn ấy chốt lại ở câu: “Các tập đoàn đừng cố gắng ăn trọn cái bánh quá lớn so với miệng họ. Đừng nghĩ rằng cỏ xanh hơn khi nhìn từ bên kia hàng rào.”

Một ví dụ kinh điển vẫn được giảng dậy trong các trường kinh doanh là trường hợp của Xerox. Công ty này thời đó đang dẫn đầu thị trường về máy photocopy. Thế rồi, đầu thập niên 1990, Xerox quyết định đa dạng hóa bằng việc cung cấp thêm các dịch vụ tài chính dưới cái tên: “The Xerox Financial Machine”. Được hai năm, đến năm 1992, hệ thống tài chính này sụp đổ và Xerox gánh khoản lỗ 778 triệu đô-la.

Năm 1985, chủ tịch tập đoàn Chrysler tuyên bố về sự ra đời của một đế chế với 4 công ty thành viên với các loại hình kinh doanh riêng biệt: Chrysler Motor (chuyên về ôtô), Chrysler Aerospace (không gian), Chyrsler Financial (chuyên cung cấp dịch vụ tài chính) và Chrysler Technologies (chuyên về kỹ thuật). Cuối cùng, tất cả biến thành một trò hề, chủ tịch Lee Iacocca thời đó của tập đoàn xe hơi danh tiếng này rốt cục đã phải thừa nhận việc mở rộng là sai lầm lớn nhất đời ông.

Có thể tìm được vô số ví dụ như vậy trong lịch sử kinh doanh của các tập đoàn Mỹ. IBM mua Rorn năm 1984 rồi bán đi năm 1989. Coca-cola mua lại Columbia Pictures năm 1982 rồi bán đi năm 1989… Có thể nói rằng đa số hoạt động mở rộng dẫn các tập đoàn tới ngõ cụt.

Ít hơn là nhiều hơn

Các tập đoàn trên thế giới cũng có xu hướng mở rộng bởi những lý do của nó. Họ muốn tận dụng thương hiệu, khả năng vốn, khả năng sản xuất, khả năng marketing, tiềm năng khách hàng… Tóm lại họ có nhiều khả năng để có thể tạo ra nhiều lợi nhuận hơn ở những mảng kinh doanh khác. Nhưng thực tế đã chứng minh rằng, những khả năng đó không phải lúc nào cũng mang lại sự thành công lâu dài cho doanh nghiệp.

Bài học từ những thập niên mở rộng trong quá khứ đã khiến cho các tập đoàn giờ đây tập trung hơn vào ngành kinh doanh chính. Cũng có những tập đoàn kinh doanh đa ngành nhưng các công ty con với tên thương hiệu riêng biệt và độc lập mạnh với công ty mẹ về mọi mặt.

Ngay cả khi chỉ mở rộng một dòng sản phẩm trong mặt hàng kinh doanh chính, doanh nghiệp cũng phải cân nhắc mọi nhẽ thiệt hơn. Chúng ta đều biết rằng khi tập đoàn Toyota mở rộng sang mảng xe hơi cao cấp, họ chọn một thương hiệu riêng biệt Lexus, độc lập về nhiều mặt với hãng mẹ. Honda cũng làm vậy với thương hiệu xe hơi cao cấp riêng biệt Acura.

Mở rộng hoàn toàn không phải trò chơi duy ý chí của những kẻ nghiệp dư, đó là sự toan tính đặc biệt cẩn trọng và khoa học của các chủ tịch tập đoàn. Mọi chiến lược mở rộng đều phải được tham mưu bởi các nhà tư vấn chiến lược chuyên nghiệp, dày dặn kinh nghiệm, những người luôn hiểu rằng: trong kinh doanh đôi khi nhiều hơn lại là ít hơn và ít hơn lại là nhiều hơn.

Các tập đoàn nổi tiếng thế giới đã phải trả giá đắt để học được bài học rằng Tập Trung là yếu tính của thành quả kinh tế và Mở Rộng cần được thực hiện theo một lộ trình đặc biệt. Còn những tập đoàn Việt Nam đang mở rộng với những động cơ và cách thức không theo logic thông thường (chúng tôi sẽ phân tích điều này ở một bài báo khác).

Các tập đoàn đó đã quên hay cố tình quên những bài học về sự Tập trung, bài học xương máu đã được Khổng Tử đúc kết từ 2500 năm trước: “Kẻ nào săn cùng một lúc hai con thỏ ắt sẽ trở về tay không.”

Khánh Duy

(*) Các ví dụ về Tập đoàn Mỹ lấy từ cuốn Focus của tác giả Al Ries

CNTB “có lỗi nhưng không có tội”

Tháng Bảy 30, 2009

 Nếu Adam Smith có sống lại để thanh minh cho CNTB trong giai đoạn này, có lẽ ông sẽ nói: “CNTB có lỗi nhưng không có tội…”

 Mất niềm tin vào CNTB

 Theo một điều tra mới nhất của công ty truyền thông Rasmussen Reports, chỉ có 53% người Mỹ trưởng thành tin rằng CNTB tốt hơn CNXH, 20% tin rằng CNXH tốt hơn và 27% không biết chắc chắn câu trả lời.

 Mới chỉ tháng 12 năm 2008, có đến 70% người Mỹ trưởng thành ủng hộ nền kinh tế thị trường tự do, chỉ 15% tin rằng nền kinh tế do nhà nước quản lý tốt hơn và 15% không quyết định.

 Ngay trên đất Mỹ, quê hương của những tư tưởng tự do, mà chỉ có phân nửa dân cư ủng hộ CNTB. Hơn thế nữa, trong vòng chỉ có vài tháng, tỉ lệ ủng hộ CNTB lại sụt giảm khá mạnh. Đó là những con số bất ngờ. Bỏ qua những sai lầm có thể có trong quá trình điều tra, có một sự thực là cuộc khủng hoảng hiện nay đã làm cho niềm tin vào CNTB bị lung lay.

 Người dân Mỹ đang mệt mỏi vì khó khăn do khủng hoảng hay bực tức khi những đồng thuế của họ được đóng góp để cứu các nhà tư bản lớn? Có thể cả hai và có thể đó là những nguyên nhân khiến họ giảm niềm tin vào CNTB tự do, được coi là linh hồn đã đem lại thịnh vượng cho nước Mỹ từ ngày lập quốc.

 Người dân Mỹ và người dân nhiều quốc gia khác đang mất niềm tin vào CNTB. May thay chưa thấy ai nói nó “đang giãy chết” nhưng không ít người nghi ngờ tính hợp lý trong sự tồn tại của nó. Những nghi ngờ đó cần được xem xét lại. Cuộc khủng hoảng hiện nay cũng như những cuộc khủng hoảng khác trong quá khứ là những biến động gây ra bởi những “lỗi” trong một thành phần của hệ thống tư bản chủ nghĩa, nhưng toàn bộ hệ thống đó xét như một tổng thể có cơ sở hợp lý để tồn tại.

 Cuộc khủng hoảng của CNTB tài chính

 Đặc điểm cơ bản của CNTB là nó phải vận hành trên cơ sở giá trị. Muốn tồn tại và có lợi nhuận, nhà tư bản phải sản xuất ra những hàng hoá và dịch vụ có giá trị thực sự đối với số đông quần chúng. Vô giá trị có nghĩa là không trao đổi ra tiền và đồng nghĩa với việc nhà tư bản phá sản… Thực tế đó khiến họ buộc phải tạo ra giá trị có lợi cho cộng đồng. Từ thị trường hàng hoá, dịch vụ tới nhân lực, nơi nơi quy luật giá trị chi phối

 Adam Smith viết những dòng bất hủ: “Chính không phải do lòng tốt của người bán thịt, người sản xuất rượu bia hay người làm bánh mỳ mà chúng ta có được một bữa ăn ngon, mà do sự quan tâm của họ tới lợi ích riêng của họ.” Nhà tư bản có thể chỉ nghĩ tới lợi ích riêng nhưng xã hội thì luôn được lợi bởi sự điều chỉnh của nguyên tắc giá trị.

 Nhà tư bản càng sản xuất ra những sản phẩm dịch vụ có giá trị thì anh ta càng có cơ hội bán được nhiều và bán được với giá cao. Trong thị trường hàng hóa dịch vụ, luôn có sự tương quan tỉ lệ thuận giữa giá cả và giá trị một cách tương đối. Càng đẹp, càng xịn, càng sang, càng tốt đương nhiên giá càng cao. Đó là nguyên tắc giá cả.

 Thị trường hàng hóa, dịch vụ thì như vậy. Nhưng thị trường tài chính và bất động sản thì không phải lúc nào cũng tuân theo nguyên tắc đó. Hay nói cách khác là trong những thị trường này, mối tương quan giữa giá cả và giá trị nhiều khi trở nên vô nghĩa. Trong nhiều trường hợp, người mua kẻ bán trong những thị trường này tuân theo nguyên tắc kỳ vọng chứ không phải giá trị. Người mua sẵn sàng mua ở những mức giá trên trời hoàn toàn không tương xứng với giá trị thật miễn là họ kỳ vọng sẽ bán được giá cao hơn trong tương lai. Đó chính là đầu cơ.

 Trong thị trường hàng hóa dịch vụ, giá càng tăng người mua càng giảm, giá càng hạ càng bán được nhiều. Nhưng với thị trường chứng khoán và bất động sản trong cơn sốt, giá càng cao người ta càng đổ xô đi mua nhiều. Đến khi thị trường hạ nhiệt, giá xuống thấp lại rất ít người mua, nhà đầu cơ chỉ nhanh nhanh bán thốc bán tháo để rút khỏi thị trường

 Tóm lại, thị trường tài chính và bất động sản trong nhiều tình huống vận hành ngược với thị trường hàng hóa và dịch vụ thông thường. Nhìn lại các cuộc khủng hoảng của CNTB trong lịch sử, đặc biệt là cuộc khủng hoảng những năm 1930 và cuộc khủng hoảng hiện nay, người ta đều thấy khởi nguồn từ sự nổ tung của “bong bóng” đầu cơ trong thị trường bất động sản và chứng khoán.

 Nếu chia nền kinh tế tư bản ra thành hai thành phần rõ rệt là nền kinh tế tư bản sản xuất (hàng hóa và dịch vụ) và nền kinh tế tư bản tài chính (công cụ tài chính phái sinh, chứng khoán, bất động sản) thì có thể thấy: bộ phận thứ nhất tuân theo nguyên tắc giá cả và giá trị nên khá ổn định và bền vững; bộ phận thứ hai luôn biến động trồi sụt bởi trong nhiều trường hợp vận hành theo nguyên tắc kỳ vọng. 

 Trong một nền kinh tế ngày càng có mối liên hệ dây chuyền chằng chịt, mỗi thành tố đều ảnh hưởng tới các thành tố khác. Bộ phận tài chính “ảo” sụp đổ sẽ kéo theo sự sụp đổ dây chuyền của bộ phận sản xuất “thật”. Ngay từ những năm 1930, khi bộ phận tài chính chưa tinh vi và nền kinh tế cũng chưa có sự liên thông phức tạp như bây giờ, nhà kinh tế học Galbraith đã đưa ra kết luận đó trong cuốn sách Great Crash 1929 (bản tiếng Việt sắp ra mắt với tựa Ác mộng Đại khủng hoảng 1929): “Sự xoay tròn vô nghĩa của thị trường chứng khoán đã tác động đến giá nông sản, giá trị đất đai và sự hồi phục của tiền giấy và tài sản thế chấp. Chính trên thị trường chứng khoán, người ta không chỉ đánh bạc số tiền mình có mà đánh bạc cả sự thịnh vượng của một quốc gia.”

 Ngày nay, những công cụ tài chính phái sinh được các nhà tư bản tài chính “phát minh” ngày càng nhiều đã tạo ra chất xúc tác cho cuộc khủng hoảng. Tín dụng lỏng tạo điều kiện cho đầu cơ bất động sản tràn lan thì châm ngòi cho cuộc khủng hoảng ấy. Câu chuyện khủng hoảng vẫn bắt nguồn từ sự lộng hành của nền kinh tế tài chính. Tài chính đã không còn là nơi cung cấp vốn cho sản xuất đơn thuần nữa mà cũng tự “sản xuất” ra những “sản phẩm” để kinh doanh. Những sản phẩm vô giá trị như “rác” cũng được bán với giá của “vàng” cho tới một ngày giấc mộng qua đi thì tất cả bỗng sụp đổ.

 Cuộc khủng hoảng được châm ngòi từ nền kinh tế tài chính, mà nền kinh tế đó thường xuyên bất tuân theo quy luật giá trị và giá cả thông thường. Khi nền kinh tế tài chính “hắt hơi” thì nền kinh tế sản xuất cũng “sổ mũi” hay nói theo Galbraith thì “kẻ yếu không chỉ hủy hoại những kẻ yếu khác mà còn làm mối mọt kẻ mạnh”.

 Vì thế, nền kinh tế tài chính ‘ảo” mới là tác nhân của khủng hoảng, không phải nền sản xuất ‘thật”. Quy luật kỳ vọng mới tạo ra khủng hoảng chứ không phải quy luật giá trị và giá cả hợp lý của CNTB. Vậy nên, kết tội CNTB cho những đổ vỡ hiện nay là thái quá, quay về với những mô hình nhà nước điều tiết sản xuất kinh doanh càng nguy hiểm.  Cái cần điều tiết mạnh hơn là bộ phận kinh tế tài chính chứ không phải toàn bộ nền kinh tế tư bản nơi bộ phận sản xuất hàng hóa và dịch vụ vẫn đóng vai trò chủ lực.

 Bộ phận kinh tế tài chính đương nhiên cũng là một phần quan trọng của bức tranh kinh tế tư bản, phần đó có những lỗi lầm mà CNTB chưa giải quyết được. Tuy nhiên, đó là những lỗi lầm của một thành phần chứ không phải toàn thể CNBT, đó là những sai sót không thuộc về bản chất hợp lý là quy luật giá trị – giá cả của CNTB. Nếu Adam Smith có sống lại để thanh minh cho CNTB, có lẽ ông sẽ nói: “CNTB có lỗi nhưng không có tội…”

 Khánh Duy

Thế giới đa cực hay đa đối tác?

Tháng Bảy 29, 2009

 “Dù quan hệ trước đây giữa Mỹ và Trung Quốc bị ảnh hưởng của ý tưởng cân bằng quyền lực giữa các nước lớn, thì suy nghĩ mới về thế kỷ 21 sẽ đưa chúng ta từ một thế giới đa cực tới một thế giới đa đối tác”. Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton tuyên bố như vậy trong cuộc đối thoại Mỹ Trung về kinh tế và chiến lược đang diễn ra. Nhưng thế giới có đa đối tác được như bà nói hay không?

Lịch sử chính trị thế giới đúng như bà Clinton nói bị chi phối bởi ý tưởng cân bằng quyền lực giữa các nước lớn. Từ thời Hi Lạp cổ đại ở phương Tây, Xuân thu Chiến Quốc ở phương Đông cho tới kỷ nguyên hiện đại, nhiều điều đã đổi thay nhưng bản chất của chính trị thế giới không thay đổi. Mức độ từng giai đoạn có thể khác nhau, nhưung đó vẫn là cuộc đấu tranh quyền lực giữa các nước lớn.

Thế kỷ 20 bị phủ bóng đen bởi 2 cuộc thế chiến đẫm máu, hệ quả của những giằng xé quyền lực giữa các nhóm nước. Chiến tranh lạnh lại là một biểu hiện khác của cuộc xung đột quyền lực, thế giới chuyển từ đa cực trước thế chiến hai thành hai cực trong chiến tranh lạnh. Mỹ và Trung Quốc đã ở vào thế đối cực trên bàn cờ đó.

Sau khi bức tường Berlin sụp đổ, nhiều người cho rằng thế giới là đơn cực do Mỹ chi phối. Với sự trỗi dậy của Trung Quốc, không ít khẳng định thế giới rồi sẽ lại quay về hai cực Mỹ – Trung. Phần đông kết luận rằng thế giới đang ở đa cực với Mỹ, Trung Quốc, Liên Minh Châu Âu và nhiều nhóm các quốc gia khác đang nổi lên. Dù thế nào, đã nói tới lưỡng cực hay đa cực là nói tới sự cạnh tranh trực tiếp giữa các cực với nhau.

 Xét trên lý thuyết, những người cho rằng luôn có sự phân cực cạnh tranh thuộc về trường phái hiện thực. Họ xem thế giới là “vô chính phủ” và luôn tồn tại cuộc chiến giữa các quốc gia vì lợi ích vị kỷ, trong đó các thế lực luôn sử dụng sức mạnh quân sự và kinh tế để chèn ép các thế lực khác. Nói như Stalin sau thế chiến 2 thì: “Ai cũng sẽ áp đặt hình mẫu hệ thống của mình ở phạm vi quân đội của mình có thể với tới. Không thể nào khác được.”

 Ngược lại, những người ủng hộ một thế giới hợp tác nhiều hơn thuộc trường phái tự do. Họ cho rằng thế giới đang tiến về một giai đoạn mà các quốc gia có xu hướng trở thành đối tác để phát triển kinh tế hơn là đấu tranh quyền lực. Hợp tác sẽ chi phối thế giới thông qua các thể chế quốc tế, thị trường tự do và giá trị dân chủ.  Như học giả Francis Fukuyama viết về “điểm tận của lịch sử” sau khi chiến tranh lạnh kết thúc: Lịch sử đã kết thức ở mô hình thị trường tự do, điều đó “đồng nghĩa với tiến trình “Thị trường Chung hoá” ngày càng tăng của các mối quan hệ quốc tế, cũng như sự thu hẹp khả năng xung đột trên diện rộng giữa các nhà nước.”

  Phát biểu của Ngoại trưởng Mỹ Hillary Cliton cho thấy phần nào bước chuyển của Mỹ trong chính sách đối ngoại,  từ quan điểm hiện thực dưới thời Bush sang quan điểm tự do hơn dưới thời Obama.  Nước Mỹ đã nhìn nhận thế giới một cách ôn hòa và hợp tác nhiều hơn sau một giai đoạn “kiêu ngạo” và đôi khi “hiếu chiến” của Bush.

 Nhưng, thế giới trong thế kỷ 21 này có “đa đối tác” được như bà Clinton nói không thì lại là một câu chuyện khác.  Hãy cùng nhớ lại khoảng thời gian đầu thế kỷ 20, sau chiến tranh thế giới lần thứ nhất, tổng thống Mỹ Wilson cũng nhiều lần tuyên bố về viễn cảnh thành lập một Hội Quốc Liên (tiền thân của Liên Hợp Quốc sau này) với hi vọng sẽ ngăn chặn được tất cả các cuộc chiến tranh. Trên đường tới hội nghị hòa bình, một số cố vấn đã hỏi tổng thống Wilson rằng liệu ông có nghĩ rằng kế hoạch đó sẽ hoạt động hay không, Wilson đã đáp ngắn gọn như sau: “Nếu nó không hoạt động thì cũng phải làm cho nó hoạt động.”

 Wilson đã đem mong muốn chủ quan của mình áp đặt cho trật tự thế giới và kết quả đương nhiên trái với ý ông. Lịch sử thế kỷ 20 sau khi ông phát biểu câu nói ấy đã chứng kiến thêm một cuộc chiến tranh thế giới khủng khiếp nữa và vô vàn các cuộc xung đột khác mà Liên Hợp Quốc chỉ “biết đứng nhìn”.

 Trong chính trị, giữa lý tưởng và hiện thực, giữa những điều mong muốn và những điều có thể luôn có một khoảng cách lớn lao. Thế giới “đa đối tác” có thể sẽ chỉ là câu nói cửa miệng của một “nhà ngoại giao” hơn là diễn ngôn mô tả viễn cảnh thế giới hiện thực.

 Khánh Duy