Archive for Tháng Mười Một 2009

Angkor, miền lý tưởng xa vời

Tháng Mười Một 21, 2009

Từ điêu tàn tới điêu tàn

Những căn nhà sàn lợp lá xơ xác, những cây thốt nốt trơ trọi giữa cái nắng thiêu đốt mùa hè, những đồng ruộng khô cạn không bóng người cày cấy, vùng nông thôn Campuchia sau 30 năm diệt chủng vẫn đói nghèo như thế.

Xuôi quốc lộ 6 trên con đường từ cửa khẩu Mộc Bài tới Siem Riep, không thấy bóng dáng của sức sống con người. Biết là Campuchia nghèo, nhưng tôi cũng không ngờ là nghèo đến vậy. Đi trên những con đường nông thôn Việt Nam, còn thấy nhà mái bằng, cửa hàng tạp hóa, đồng ruộng xanh tươi thấp thoáng bóng người chăm bón. Đi suốt dọc theo quốc lộ của Campuchia, hi hữa mới thấy một căn nhà mái bằng, đa số là nhà lá, phần còn lại là những căn nhà ốp ván tạm bợ.

Qua những thị trấn ở Kongpong Thom, Kongpong Cham, khung cảnh bớt tiêu điều hơn nhưng nơi đâu cũng thấy bóng ma diệt chủng dường như vẫn còn ám ảnh đâu đây. Những con đường, thị trấn chẳng biết tên gọi là gì, chỉ thấy người ta gọi nó bằng những cái tên như Đại lộ Kinh hoàng, Thị trấn ma. 30 năm trước, nơi đây có những căn nhà 15 người không một ai còn sống sót bởi một chế độ vô nhân tính. 30 năm sau, vẻ ngơ ngác và khổ cực vẫn hằn lên trên từng khuôn mặt Campuchia đen đúa.

Điêu tàn, đó có lẽ là từ cô đọng hơn cả để nói về vùng nông thôn Campuchia. Điểm nhấn có lẽ chỉ là những đoàn xe du lịch sang trọng hàng ngày vẫn chạy về Siem Riep chỉ để thăm quan một nơi điêu tàn khác: khu quần thể Ankor nổi tiếng, kỳ quan thiên nhiên thế giới năm 1992 theo bình chọn của Liên Hợp Quốc.

Angkor là một quần thể những đền đài một thời là trung tâm của đế chế hùng mạnh Khmer. Điêu tàn có lẽ cũng là từ hợp lý khi nhìn cận cảnh những phế tích còn tồn tại trên mảnh đất này. Nhưng đó lại là cái điêu tàn đáng xem, khác với cái điêu tàn của những cánh đồng trơ trụi chỉ có nhà lá và cây thốt nốt.

Một lịch sử bị lãng quên

 

Là kinh đô của đế chế Khmer thịnh trị suốt từ thế kỷ 9 đến thế kỷ 13, Angkor một thời đã từng là trung tâm quyền lực và tôn giáo của cả một vùng đất rộng lớn gồm cả Campuchia, Lào, Miễn Điện, Thái Lan và một phần của miền nam Việt Nam bây giờ. Những cung điện, đền đài trong hai khu chính của Angkor là Angkor Wat (Kinh đô chùa) và Angkor Thom (Kinh đô lớn) được xây dựng hoàn toàn bằng những phiến đá ghép lại với nhau. Xưa kia, nơi đây chắc chắn đã từng một thời tráng lệ và linh thiêng. Như giáo sĩ người Bồ Đào Nha Diogo Do Couto viết trong chuyến viếng thăm Angkor năm 1686: “Đây là một công trình ngoại hạng đến nỗi không diễn tả nổi bằng ngòi viết, một kiến trúc không giống kiến trúc nào khác trên thế giới. Angkor có những tháp, kiến trúc trang trí và tất cả những cái tinh tuý nhất mà thiên tài con người có thể nghĩ ra được.”

Vào năm 1431, vương quốc Ayutthaya của người Thái đánh bại đế chế Khmer. Đế chế hùng mạnh một thời đi vào quên lãng và khu quần thể Angkor cũng bị lãng quên hoàn toàn trong rừng sâu ít người qua lại. Mãi tới năm 1858, nhà thực vật học và thám hiểm người Pháp Henri Mouhot đã khám phá lại khu di tích Angkor u tịch, chìm đắm trong rừng rậm từ bao thế kỷ. Từ trên đỉnh núi Bakheng, ông nhìn xuống Angkor và xúc động viết những dòng sau trong cuốn nhật ký của mình: “Tất cả vùng này giờ đây vắng lặng và cô quạnh, trước kia chắc hẳn nhộn nhịp và vui vẻ lắm, nay chỉ còn tiếng hú của các loài thú dữ và tiếng chim kếu giữa im lặng cô đơn…”

Angkor không còn im lặng cô đơn như xưa nữa bởi giờ đây, hơn 2 triệu lượt khách đổ về vùng này mỗi năm và con số cứ mỗi ngày một tăng chóng mặt. Angkor giờ nhộn nhịp những bước chân người như thời còn hưng thịnh. Duy chỉ có điều, những khu đền đài của Angkor ngày nay không còn gì thánh thiêng như chắc nó đã từng thời ấy, không chỉ bởi tất cả đã cũ kỹ và đổ nát theo tháng năm…

 

Angkor Wat – Gương mặt thánh thiêng đã mất

 

Angkor của ngày xưa là miền đất thánh của hai tôn giáo lớn: Ấn Độ giáo và Phật giáo. Những chứng tích tôn giáo hiển hiện trên toàn bộ khu di tích rộng lớn cũng như trên từng nét chạm khắc nhỏ nhất của Angkor.

Toàn bộ khu đền Angkor Wat được xây dựng vào khoảng nửa đầu thế kỷ 12 dưới thời vua Suryavarman II. Khu quần thể rộng tới 200 hécta này được xây dựng để thờ thần Vishnu, một trong ba vị thần tối cao của Ấn Độ giáo. Angkor Wat được mô phỏng theo đúng vũ trụ Meru của người Ấn Độ xưa. Hào nước rộng bao quanh khu đền biểu tượng cho những đại dương nhiệm màu bao quanh trái đất. Những hành lang đồng tâm liên tục bao quanh khu tháp trung tâm biểu tượng cho những dãy núi bao quanh đỉnh núi Meru, ngôi nhà của các Thánh Thần. Phải leo lên những cầu thang dốc tới 80 độ mới có thể vào được ngọn tháp trung tâm hàm ý: người thường phải nỗ lực hết mình mới giác ngộ để gặp được thần linh.

Ý tưởng kiến trúc tổng thể của Angkor Wat cũng như sự kỳ công thể hiện trên từng bức phù điêu của khu đền thể hiện rõ sự sùng bái Ấn giáo của vua Suryavarman II nói riêng cũng như của đế chế Khmer nói chung. Chắc hẳn nơi đây xưa kia đã từng chứng kiến những nghi lễ tôn giáo hoành tráng và linh thiêng. Nhưng giờ đây, người ta đổ về Angkor Wat chỉ để ngắm nhìn những phế tích chứ không phải để cảm nhận bầu không khí thánh thiêng tôn giáo ở mảnh đất này. Không thấy nơi nào để thờ tự, chỉ thi thoảng bắt gặp những bàn thờ tạm bợ đặt dưới những bức tượng cũ kỹ. Khách du lịch cũng chẳng mấy ai thắp hương ở những bàn thờ bày ra cho có lệ như vậy.

Tượng Phật trong khu Angkor Wat có kha khá nhưng đa số đều… mất đầu. Trong nhiều năm, những kẻ ăn cắp cổ vật đã chặt đầu cả thần Phật để bán cho những nhà buôn đồ cổ phương Tây. Những gì có thể bán lấy tiền thì đều bị vặt mất, từ đầu rắn thần Naga tới mặt nàng Aspara. Toàn thể khu Angkor khá tráng lệ khi nhìn từ xa nhưng lại gần mới thấy sự xác xơ của nó. Thời gian và cả con người nữa đã phá hủy gương mặt thánh thiêng của Angkor Wat.

Angkor Thom – Sự sống vô thường

Khu kinh đô Angkor Thom được xây dựng vào khoảng cuối thế kỷ 12 dưới thời vua Jayavarman VII. Ông vua này sùng đạo Phật đến nỗi xây dựng ở trung tâm của nó một khu đền gọi là Bayon. Khu đền trông như một rừng đá này có 54 ngọn tháp lô nhô, mỗi ngọn tháp đều có 4 mặt Phật quay sang 4 hướng khác nhau với nụ cười trầm tư bí hiểm.

Kiến trúc tổng thể của Bayon được cho là mô tả hình ảnh kỳ diệu trong Phật thoại, khi Đức Phật biến hóa trên không trung thành hàng ngàn Đức Phật quay tròn lấp lánh. 256 gương mặt đá nhìn về 4 hướng khác nhau thể hiện ánh sáng nhiệm màu của Phật pháp soi tỏa bốn phương.

Cấu trúc kỳ lạ của Bayon và toàn thể Angkor Thom cho thấy Phật giáo đã thịnh trị ở Campuchia dưới thời Jayavarman VII, tức cuối thế kỷ 12. Những nghi lễ Phật giáo chắc chắn đã từng được tổ chức linh đình ở khu vực này ngày đó. Nhưng giờ đây, cũng như Angkor Wat, Angkor Thom và Bayon chỉ còn là những khối đá vô tri lạnh lẽo chứ không còn thấy tinh thần ấm áp của đạo Phật. Không khói hương, không thờ tự, không sư sãi… chỉ còn đó những khối đá kỳ vĩ được trạm khắc công phu nhưng đã móc meo và sứt sẹo qua hơn 800 năm lịch sử.

Đi vào Bayon, ngẩng đầu lên chỗ nào cũng chỉ thấy những mặt Phật mỉm cười, nhân từ nhưng khó hiểu. Các nhà nghiên cứu cho rằng đó là nụ cười thấu biết của Đức Phật, nụ cười của người hiểu hết lẽ vô thường của sự sống. 256 gương mặt ấy đã đứng sừng sững như thế trong suốt hơn 800 năm để chứng khiến sự hưng thịnh và suy vọng của một đế chế, chứng kiến một trong những bi kịch diệt chủng dã man nhất trong lịch sử hiện đại.

Miền lý tưởng xa vời

 

Angkor là một di sản văn hóa, một kỳ quan may mắn còn lại giữa rừng sâu sau những biến động của gần một thiên niên kỷ. Những nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa, tôn giáo có thể tìm thấy ở Angkor những bằng chứng vô giá cho những công trình của họ. Khách du lịch đến Angkor để chiêm ngưỡng một vẻ đẹp kỳ lạ, không lung linh rực rỡ nhưng có cái gì đó rất hoài niệm, cổ xưa.

Angkor đẹp thật nhưng, có lẽ sai lầm nếu giờ đây người ta gọi mảnh đất này là thánh địa. Angkor của ngày xưa có thể là thánh địa nhưng bây giờ chắc chắn chỉ còn là phế tích. Lang thang trong khuôn viên mênh mông của Angkor, có đôi khi cũng bắt gặp một vài vị sư áo vàng. Nhưng có đổ vào Angkor 1000 vị sư áo vàng thì cũng không cứu nổi một thực tế rằng: Angkor đã không còn là đất thánh. Không có miền đất thánh nào lại toàn những tượng thánh mất đầu…

Angkor chính là hiện thân của Campuchia, nó như một tấm gương phản chiếu lịch sử Campuchia, phản chiếu toàn bộ những nghịch lý và khổ đau mà dân tộc này phải chịu. Đất nước tôn thờ Phật pháp từ bi đến nỗi không giết cá bằng cách đập đầu cũng chính là nơi hàng trăm ngàn người bị đập vào đầu bằng cuốc xẻng cho đến chết. Đất nước của hoa sen cũng lại chính là đất nước của đầu lâu.

Tha thẩn giữa không gian hoang sơ của Angkor dễ làm người ta nảy sinh hoài niệm về quá khứ. Từ những bức phù điêu còn lại trên các bức tường đá ở Angkor, có thể tưởng tượng lại những nghi lễ huyền hoặc năm xưa. Angkor trong trí tưởng tượng âý sẽ rất khác với Angkor trong hiện thực. Đến Angkor để chợt nhận ra sự bất lực của giáo lý trước sự đói khổ của con người, nhận ra miền lý tưởng vẫn còn ở nơi nào đó rất xa vời so với hiện thực ngày nay.

Cụ Khổng và cái tàu cá

Tháng Mười Một 19, 2009

Sáng 10 tháng 11 vừa rồi, Bộ đội Biên phòng Thừa Thiên Huế truy đuổi 16 tàu cá ra khỏi vùng lãnh thổ Việt Nam. Tàu tuần tra của Bộ đội biên phòng cũng đã bắt giữ 1 tàu cá mang số hiệu 14062 trên đó có 13 ngư dân Trung Quốc. Sau đó, quân đội Việt Nam lập biên bản, phạt cảnh cáo và phóng thích ngay con tàu này vào cuối giờ chiều.

Việc tàu Trung Quốc vào vùng biển Việt Nam đánh cá đã diễn ra không ít nhưng lần này, 17 con tàu đã vào quá sâu, tới khu vực giữa đảo Cồn Cỏ và bờ biển Thuận An, cách bờ có 24 hải lý. Việc lực lượng biên phòng phải vào cuộc, truy đuổi và xử phạt là hết sức đúng đắn và hợp lý.

Nhưng, điều đúng đắn hơn thể hiện trong lời phát biểu của ông Hoàng Xuân Chiến, Chỉ huy trưởng ban chỉ huy Bộ đội Biên phòng: “Chúng tôi cho là ngư dân Trung Quốc vi phạm hải phận Việt Nam cũng chỉ vì con cá thôi, nên chỉ giải thích rồi cho họ đi. Không phải vì họ đuổi bắt, đâm thủng, phạt vạ tàu mình mà mình trả đũa.”

Câu nói ấy của ông làm tôi nhớ lời cụ Khổng Tử của Trung Quốc, một lời dạy mà ai đã học Nho giáo của cụ đều biết: “Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân”, nghĩa là “cái gì mình không muốn thì đừng làm cho người khác”. Cụ Khổng còn dạy tiếp: cái gì mình muốn thì hãy làm cho người khác, “mình muốn tự lập thì cũng thành lập cho người, mình muốn thành công thì cũng giúp người thành công.”

Lực lượng biên phòng Việt Nam đã làm thật đúng với lời dạy hiền nhân, Việt Nam không muốn những chuyện đâm tàu, bắt giam, đánh đập ngư dân xảy ra với tàu cá nước mình nên đã không làm thế với tàu Trung Quốc.

Cụ Khổng “hồi sinh”

Khổng Tử là một triết gia, nhà tư tưởng có ảnh hưởng rộng khắp không chỉ ở Trung Quốc mà còn ở nhiều nước Châu Á khác. Dưới thời Mao Trạch Đông, cụ bị “hắt hủi”, bị coi là tàn tích của chế độ phong kiến cần xóa bỏ. Nhưng, trong vài năm trở lại đây, cụ Khổng được tôn vinh chưa từng thấy ở Trung Quốc.

Bộ Giáo dục Trung Quốc bật đèn xanh cho các đề xuất đưa văn hóa Khổng giáo truyền thống vào giảng dạy ở các trường phổ thông. Các trường Đại học mở các khóa học về Triết học Khổng giáo, thành lập những viện nghiên cứu Khổng tử.

Không chỉ trong nước, tốc độ thành lập các Học viện Khổng Tử ở nước ngoài mới thật kinh ngạc. 3 năm trước, một bài báo trên tờ Newsweek cho biết: “Trung Quốc thông qua một chương trình 10 tỉ đôla để tạo ra 100 Học viện Khổng Tử trên toàn thế giới vào năm 2010.” Thế mà, đầu tháng 11 vừa rồi, một bài trên VietNamNet viết: “cho đến cuối năm 2008, đã có 249 Học viện Khổng Tử được xây dựng trên 78 quốc gia.”

Nếu đúng như vậy thì Trung Quốc thật sự đã tăng tốc quá trình truyền bá giá trị Trung Hoa và Khổng giáo với một quyết tâm đáng kinh ngạc.Học viện mang tên nhà hiền triết để dạy tiếng Hoa và truyền bá văn hóa Trung Quốc, trong đó di sản cụ Khổng góp phần quan trọng.

15 năm trước, ít ai ở Trung Quốc dám nhắc công khai tới các nguyên lý đạo Khổng, ngày nay, người ta nhắc tới lý tưởng của cụ ở khắp nơi. Đặc biệt, quan chức càng thích “tầm chương trích cú” lời cụ. Cụm từ “xã hội hòa hợp” mà chủ tịch Hồ Cẩm Đào tuyên ngôn như một học thuyết sau khi nắm quyền năm 2003 là một ý tưởng nguồn gốc từ Khổng Tử. Cụ Khổng cả đời ước ao xây dựng một “thế giới đại đồng”, nơi người người sống với nhau thuận hòa như trong một đại gia đình.

Sinh thời, cụ Khổng đi khắp các nước truyền bá tư tưởng Đức trị, Nhân trị của mình cho các bậc quân vương. Thế nhưng, lời cụ chẳng được đoái hoài, cuối cùng, cụ đành về quê mở trường dậy học. Trước khi mất, cụ rớt nước mắt nói lời cuối với học trò Tử Cống:

– Thiên hạ loạn từ lâu mà không một ông vua nào chịu theo lời khuyên của thầy, thầy sắp đi đây.

Cụ Khổng ở dưới suối vàng chắc cũng không thể tưởng tượng ra được, 2500 năm sau, lại có chính thể “đãi ngộ” cụ hoàn hảo tới mức ấy khi coi những lý tưởng của cụ như một trong những nền móng xây dựng xã hội.

Chính quyền Trung Quốc làm “hồi sinh” cụ Khổng cũng có những lý do của nó.

Về mặt đối nội, nhiều tầng lớp nhân dân đã quá bức xúc trước tình trạng tham nhũng, tịch thu đất đai và tha hóa đạo đức của nhiều quan chức. Đạo Khổng chủ trương người cầm quyền phải Đức trị, phải Chính danh, phải Tu thân, phải Yêu dân. Ngược lại, người dân phải Tôn Quân, thiên tử là “con trời”. Vậy nên, đương nhiên, những quan điểm ấy được “hồi sinh” để giúp các nhà chính trị dễ điều hành cường quốc 1,3 tỉ dân.

Về mặt đối ngoại, tư tưởng ngoại giao hòa hợp, hòa bình của cụ Khổng rất hợp với những tuyên ngôn về đối ngoại của Trung Quốc. Trung Quốc đang trỗi dậy nhưng là “trỗi dậy hòa bình”. Điều ấy rất hợp với lời cụ Khổng dạy Nhiễm Cầu về đối ngoại: “Nếu người ta không phục mình thì sửa văn đức để người ta đến với mình, họ đến với mình rồi thì làm sao cho họ yên ổn.”

Danh phải chính

Đạo của cụ Khổng có những cái giờ đã bị coi là bảo thủ, là hủ lậu nhưng vẫn còn đó rất nhiều điểm hợp lý, trải qua cả ngàn năm vẫn là “niềm cảm hứng cho đời sau”, “làm cho đức trí con người được nâng cao” theo lời học giả Nguyễn Hiến Lê.

Giờ đây, Trung Quốc tôn vinh lại di sản tư tưởng của cụ cũng tốt. Nếu vua quan ai cũng Nhân, cũng Trí, cũng Quân Tử như cụ dạy thì xã hội Trung Quốc có lẽ sẽ là một hình mẫu để thế giới học tập. Nếu chính sách đối ngoại cũng trên tinh thần “đại đồng”, “sửa văn đức để người ta đến với mình” như cụ dạy, các quốc gia láng giềng khu vực cũng sẽ an vui bắt tay chặt hơn nữa với Trung Quốc.

Nhưng, người nào đã học cụ Khổng cũng phải nhớ đến luận điểm cơ bản, xuyên suốt trong học thuyết của cụ. Đó là Chính Danh, Danh không chính thì ngôn không thuận, ngôn không thuận thì việc không thành. Cụ cũng dạy: muốn Danh chính thì thân phải chính, muốn thân chính thì ngôn phải chính: nghĩa là lời nói và việc làm phải hợp nhau, không nói nhiều làm ít, nói thế này làm thế khác.

Trung Quốc đã tuyên ngôn lại tư tưởng “xã hội hòa hợp, thế giới đại đồng” của cụ Khổng từ 2500 năm trước. Nếu Trung Quốc làm ngược lại với điều ấy, e rằng lời cụ năm xưa lại ứng nghiệm, mọi việc sẽ không thành nếu ngôn không thuận. Hàng trăm học viện Khổng Tử có thể sẽ không tạo ra hiệu quả truyền bá và ảnh hưởng như mong muốn nếu như Trung Quốc có những hành động ngược với lời Khổng tử.

Tôn vinh đạo Khổng sẽ thực sự hiệu quả từ những điều nhỏ nhất: Trung Quốc không để xảy ra tình trạng đâm tàu, bắt giam và đánh đập ngư dân Việt Nam như trong thời gian vừa qua được nữa.

Khánh Duy

 

Chuyện cặp nhẫn cưới vàng của tha nhân

Tháng Mười Một 5, 2009

Z21-D
1.

“Con sư tử vàng của thầy Pháp Tạng” là cuốn sách mới nhất của thầy Nhất Hạnh. Cuốn sách là lời bình giảng của thiền sư Thích Nhất Hạnh về bài kinh “Con sư tử vàng” của thầy Pháp Tạng, một trong những sư tổ của Hoa Nghiêm Tông (tông phái nổi bật trong lịch sử Phật Giáo).

Thầy Pháp Tạng sống ở Trung Quốc vào thế kỷ 7, thời hoàng hậu Võ Tắc Thiên. Nữ hoàng đương thời rất thích nghe thầy giảng. Một hôm, bà mời thầy vào cung. Thầy Pháp Tạng bằng trí tuệ tuyệt vời đã cầm một con sư tử vàng trong cung cấm, coi nó như ví dụ để diễn giải cho Võ Tắc Thiên nghe về toàn bộ giáo lý nhà Phật theo trường phái Hoa Nghiêm.

Lần giở hết cuốn sách này, tôi lại không nghĩ nhiều đến Con sư tử vàng của thầy Pháp Tạng, lại nghĩ về câu chuyện cặp nhẫn cưới vàng của tha nhân.

2.

Có cặp vợ chồng nọ rất giàu có, khi cưới nhau, họ đặt mua hẳn một đôi nhẫn cưới vàng đính kim cương “xịn” rất đắt tiền từ Châu Âu. Đeo một thời gian, thấy đôi nhẫn đẹp quá mà đeo thì phí, cô vợ “trưng bày” đôi nhẫn ấy trong chiếc tủ kính ở phòng ngủ.

Đứa giúp việc một hôm nảy sinh lòng tham lấy cặp nhẫn ấy đem bán rồi bỏ về quê. Anh chồng biết nhẫn mất, tiếc cặp nhẫn kỷ niệm hôn nhân, tát cô vợ vì đã để “hớ hênh” dẫn đến mất kỷ vật. Hình tượng người chồng bỗng sụp đổ trong lòng cô vợ.

Nhẫn mất, tình yêu cũng mất dần. Vài năm sau, họ chia tay…

Nguyên nhân của mọi nguyên nhân có phải chỉ tại cặp nhẫn vàng?

Giáo lý Hoa Nghiêm dạy ta rằng không phải thế.

Đứa giúp việc chỉ nhìn thấy “vàng” ở cặp nhẫn, vàng ở đây là thứ kim loại quý, thứ tài sản bán được nhiều tiền. Cô vợ chỉ nhìn thấy “nhẫn” ở cặp nhẫn, nó là thứ trang sức nghệ thuật đẹp lộng lẫy từ Âu Châu nên phải “trưng bày”. Anh chồng lại chỉ nhìn thấy “cưới” ở cặp nhẫn, đó là kỷ niệm của một tình yêu. Chỉ một cặp nhẫn cưới vàng mà 3 cá nhân ấy nhìn nhận theo 3 cách hoàn toàn khác nhau.

Do nhìn nhận khác nhau mà đứa giúp việc sinh tâm tham ăn cắp nhẫn, cô vợ sinh tâm ái trưng bày nhẫn, anh chồng sinh tâm giận tát vợ. Mâu thuẫn dẫn tới đổ vỡ nẩy sinh từ những hình tượng khác nhau về cặp nhẫn cưới mà mỗi cá nhân đã tự tạo tác trong họ.

Lỗi không phải tại cặp nhẫn cưới vàng, lỗi tại cách mỗi con người nhìn nhận nó. Con mắt chỉ nhìn thấy những gì mà trái tim và cái tâm muốn thấy.

Con người đã chỉ nhìn thấy thế giới hiện tượng, “vàng”, “nhẫn” và “cưới” đều là thế giới hiện tượng hư ảo nẩy sinh trong tâm ý, trong khi bản chất thật của cặp nhẫn cưới vàng ấy đơn giản chỉ là sự kết hợp của những phân tử vàng, Au. Những phân tử Au “hồn nhiên” ấy nào có tội tình gì.

Con người đã tham lam, sân hận, si mê vào một thế giới hiện tượng ảo. Thầy Nhất Hạnh nhiều lần dùng ví dụ xem phim để người đọc thấy sự vô lý trong việc tự huyễn mình vào những biểu tượng không có thật.

“Khi nhìn những hình ảnh trên màn ảnh, dù biết chúng là ảo mà ta vẫn khóc, vẫn buồn, vẫn giận như thường. Đó gọi là vọng tình. Khi yêu hay ghét ai cũng vậy, ta tạo ra một hình ảnh rồi ta yêu, ghét hay giận chính hình ảnh đó.” Đó là “tâm ý sai lầm của ta. Thấy được như vậy rồi, ta sẽ không còn bị những cái giả lừa gạt nữa.”

3.

Giáo lý Hoa Nghiêm không dừng lại ở việc giải thích tâm ý như trong câu chuyện nói trên. Hoa Nghiêm là một hệ tư tưởng triết học vẹn tròn trên cả ba cấp độ: tâm lý cá nhân, bản chất thực thể và lý giải vũ trụ. Những phát hiện mới của khoa học trong lĩnh vực lượng tử và vụ trụ có những điểm trùng hợp kỳ lạ với những phát hiện bằng trực giác của các tổ sư Hoa Nghiêm tông.

Thầy Pháp Tạng là sư tổ lỗi lạc nhất đã hệ thống hóa giáo lý này, “Con sư tử vàng” là bài kinh ngắn nhưng diễn giải đầy đủ những điểm cốt yếu của Hoa Nghiêm. Chính vì thế, dù đã được thầy Nhất Hạnh lý giải cặn kẽ bằng nhiều ví dụ thực tiễn, cuốn sách vẫn trừu tượng và có nhiều thuật ngữ không dễ hiểu với nhiều người.

Tuy vậy, đọc lại một vài lần với sự kiên tâm, cuốn sách trở nên dễ hiểu. Sách dậy: “Đi tìm Niết bàn ở đâu? Tìm ngay trong Sinh tử.” Vậy có lẽ: Đi tìm sự dễ hiểu, đơn giản và minh triết ở đâu? Phải tìm ngay trong sự khó hiểu đó.

Khánh Duy

Theo dấu Cách mạng ở Saint Petersburg

Tháng Mười Một 5, 2009

1.

Ông Osho có một lý thuyết chu kỳ 7 năm về tâm tính con người. Ông nói rằng: 21 tuổi ai cũng là kẻ nổi loạn, cũng là nhà cách mạng; 28 tuổi, mọi kẻ nổi loạn đều trở nên ôn hòa; đến năm 35 tuổi, những người cách mạng nhất rồi cũng trở thành phản cách mạng.

Tôi thấy lý thuyết của Osho khá đúng với mình, qua tuổi 28, tôi không còn hứng thú nhiều với những ý niệm về Cách mạng.

Nhưng đến Saint Petersburg, tôi vẫn đi tìm, vẫn lần theo những dấu vết của Cách mạng. Thành phố chỉ có lịch sử hơn 300 năm tuổi này lại là thành phố nổi tiếng ở châu Âu bởi những cuộc Cách mạng. Ít nhất đã có 3 cuộc Cách mạng, chính xác hơn là 4 nếu kể cả cuộc khởi nghĩa nổi tiếng vào tháng Chạp năm 1825.

Xe dẫn chúng tôi xuôi theo đại lộ vào trung tâm thành phố bên bờ dòng sông Neva. Dòng sông đẹp, thơ mộng và phẳng lặng quá, có ai ngờ, sóng cách mạng nhiều năm đã nổi ở hai bờ.

2.

 

Tượng đài Piốt Đại Đế cưỡi con ngựa tung vó hùng tráng nằm giữa Quảng trường nhìn thẳng ra sông Neva. Chính tại Quảng trường Thượng nghị viện này đây, vào năm 1825, những trí thức và quý tộc tiến bộ nhất đã làm cuộc khởi nghĩa đòi dân chủ dưới chế độ của Nga hoàng Nicolas I. Cuộc khởi nghĩa tất nhiên bị Nga hoàng đàn áp và những người cấp tiến chủ mưu đã bị treo cổ, số còn lại bị đày ra Siberia.

Rất nhiều trong số những khởi nghĩa là bạn bè của nhà thơ Pushkin, những vần thơ tự do của nhà thơ đã được lưu truyền trước đó đã góp phần tạo cảm hứng cho khởi nghĩa.

Gió, gió đâu, cuộn ao tù thành thác,

Phá tan tành đập chắn âm u!
Giông tố đâu – hình ảnh của tự do,
Hãy phả lên mặt nước tù u uất!
Bản thân Puskin thời điểm đó không có mặt ở Saint Petersburg, ông đang bị đi đày do những vần thơ tự do. Năm 1826, khi được cho phép trở về thành phố, Pushkin đã vào yết kiến Nga hoàng. Nicolas I hỏi Pushkin rằng liệu nếu năm 1925 có mặt ở đây thì ông có tham gia vào nhóm làm phản không.

Nhà thơ kiêu hãnh đáp:

– Nhất định là có, thưa bệ hạ! Tất cả bạn bè của hạ thần đều can dự vào mưu mô này cho nên chắc hạ thần không thể không tham gia được.

Nhà thơ sau đó bị quản thúc tiếp và nước Nga hậu khởi nghĩa bước vào một giai đoạn suy sụp, Nicolas I đã ban hành những chính sách bảo thủ và áp đặt trật tự quân đội khắp nơi.

3.

Xe đưa chúng tôi đi qua cung điện Mùa đông bên bờ Neva, nơi giờ đây là bảo tàng Ermitage. Cung điện xa hoa lộng lẫy này đã chứng kiến trọn vẹn những cuộc Cách mạng sau này trên đất Nga.

 

Vào ngày chủ nhật lịch sử, 9-1-1905, 140 ngàn người đã biểu tình qua Cung điện này để dâng Nga hoàng bản thỉnh nguyện. Nga hoàng ở đâu không biết, chỉ thấy kỵ binh, cảnh binh xả súng bắn vào đoàn biểu tình. Ngày Chủ nhật đẫm máu kết thúc với 1000 người chết và 5000 người bị thương.

Cuộc Cách mạng bi thảm ấy sau này được ghi vào lịch sử với cái tên Cách mạng 1905.

Nước Nga phải chờ đợi thêm 12 mùa tuyết rơi nữa mới có một cuộc Cách mạng thứ hai. Ngày 23-2-1917, khi thời tiết xuống tới âm 43 độ, 200.000 người đã xuống đường biểu tình dọc theo bờ Neva dày đặc tuyết để đòi dân chủ, tự do, cơm ăn áo mặc. 1300 người ngã xuống để có được một Chính phủ lâm thời gồm đại diện của nhiều đảng phái thuộc tất cả các phe ở Nga: quý tộc, tư sản, vô sản…

Gần 100 năm sau, những câu thơ của Pushkin mới linh ứng:

Hỡi đồng chí hãy vững lòng tin tưởng:

Sao hạnh phúc nguy nga rồi hiện sáng,
Cả nước Nga sẽ bừng tỉnh cơn mê,
Ngày mai đây hậu thế viết tên ta
Trên đống vụn của chính quyền độc đoán.

Đêm đó, Nga hoàng Nicolas II từ ngôi chấm dứt 300 ngự trị của dòng họ Romanov, trước đó, ít người nghĩ rằng đế chế quyền lực, xa hoa ấy lại có thể sụp đổ nhanh chóng đến vậy chỉ sau 100 giờ biểu tình.

4.

Những hạt tuyết đầu mùa bắt đầu rơi trên khắp thành phố Saint Petersburg. Mưa và tuyết khiến chúng tôi chỉ có thể đi qua chứ không dừng lại chụp ảnh được ở những di tích quan trọng. Người dẫn đoàn chỉ cho chúng tôi từ phía xa nhà ga tầu hỏa nơi Lenin đã xuống vào tháng 4 năm 1917 sau một thời gian dài lưu vong ở nước ngoài.

Nếu Lenin không về nước thời gian ấy, có lẽ, cuộc Cách mạng tháng 10 đã không xảy ra và lịch sử đã đi theo một hướng khác.

 

Từ bên này bờ Neva, phía Cung điện Mùa đông, tôi đã nhìn thấy đỉnh nhọn nhô lên của Pháo đài Peter-Pavel lịch sử ở bờ kia, công trình đầu tiên của thành phố Saint Petersburg. Nơi đây là nơi cất giữ vũ khí khổng lồ của Chính phủ lâm thời. Vào đêm trước Cách mạng, Trotsky đã một mình đến Pháo đài để thuyết phục binh lính giữ đồn đứng về phe vô sản. Không tốn một viên đạn và mất một giọt máu, Trotsky đã thành công. Nếu không, lịch sử có khi đã khác.

Nhưng lịch sử không có chữ nếu, Cách mạng đã xảy ra vào đêm 25-10-1917 theo lịch Nga cũ.

Xe lại đi qua chiến hạm Rạng đông, con tàu này khá hoành tráng đúng như trí tưởng tượng của tôi. Mưa tuyết nhưng chúng tôi cũng kịp nhẩy ra khỏi xe để chụp ảnh tàu. Vào đêm Cách mạng, Chiến hạm đã bắn những phát đại bác cảnh cáo để giai cấp vô sản tiến vào chiếm Cung điện Mùa đông nơi những thành viên nội các Kerensky đang trú ngụ.

 

Kỳ lạ thay, một cuộc cách mạng vô sản đã diễn ra sau một cuộc cách mạng tư sản chỉ có 8 tháng, diễn ra ngay ở mắt xích yếu nhất của CNTB. Thế nên phương Tây gọi cuộc Cách mạng ấy là “quái thai của lịch sử”. Giảng viên lịch sử dậy ở Nga đi cùng đoàn nói với chúng tôi rằng, giờ đây, sách lịch sử Nga cho rằng cuộc cách mạng ấy đơn thuần là “một cuộc đảo chính”.

Đúng 100 năm trước cuộc Cách mạng ấy, Pushkin viết bài thơ “Gửi các đồng chí”, nhà thơ mong muốn:

Phanh áo ghi-lê mà không kinh hoảng

Những tai ương khủng khiếp ụp lên đầu.

Mong muốn vẫn chưa thành hiện thực, quá nhiều Cách mạng nhưng những tai ương khủng khiếp nhất vẫn đang chờ để ụp lên đầu nước Nga.

5.

Cuộc Cách mạng năm 1825 kết thúc bằng các giá treo cổ thít vào những người cách mạng và cả nước Nga. Cuộc cách mạng 1905 kết thúc bằng quảng trường ngập máu. Cuộc cách mạng tháng 2-1917 chỉ tồn tại được vẻn vẹn 8 tháng tuổi còn cuộc cách mạng tháng 10 chưa tạo được thành quả nào đáng kể thì đã xuất hiện một “Sa hoàng mới”: Stalin.

 

Lịch sử cách mạng Nga dường như chỉ thay thế chế độ chuyên chế này bằng chế độ chuyên chế khác. Pushkin chắc cay đắng lắm, bức xúc lắm với đồng bào khi viết bài thơ “Người gieo giống tự do trên đồng vắng”

 

Là người gieo giống tự do trên đồng vắng
Tôi ra đi từ sáng sớm tinh mơ
Bàn tay tôi trong trẻo ngây thơ
Gieo mầm sống trên luống cày nô dịch
Nhưng tôi chỉ phí thời gian vô ích
Cả tư tưởng và việc làm thiện chí của tôi
Nhân danh thanh bình, cứ gậm cỏ đi thôi!
Tiếng vinh dự không thể làm tỉnh giấc
Tự do đâu cho một bầy súc vật?
Chúng chỉ cần cắt xẻo, cạo lông
Đời nối đời, di sản chúng nó chung
Là ách nặng đeo chuông và roi vọt

Không bao giờ có một cuộc cách mạng thành công thật sự nếu những công dân trong xã hội không có ý thức tự do và tự xây dựng những thiết chế hợp lý để bảo vệ tự do. Mặt trời của thi ca Nga đã gọi những đồng bào mình là một “bầy súc vật” không hiểu gì về tự do, thế mà ông vẫn được dựng tượng đài ở khắp nơi. Nhưng tinh thần tự do Pushkin chỉ tồn tại trong địa hạt tư tưởng, nước Nga hiện thực gần 200 năm sau khi ông mất vẫn chưa hoàn toàn “bừng tỉnh cơn mê”.

6.

Năm 21 tuổi, tôi đặc biệt say mê Cách mạng Pháp, tôi thuộc lòng những đoạn nói về cuộc Cách mạng ấy trong cuốn Những người khốn khổ của Huygo. “Muốn hiểu cách mạng là gì, hãy gọi nó là tiến bộ, muốn hiểu tiến bộ là gì, hãy gọi nó là tương lai, vậy thực chất cách mạng là gì, là quần chúng đi mua tương lai, mua bằng gì, mua bằng máu.”

Năm 28 tuổi, tôi thích một câu khác, không nhớ rõ đọc ở đâu: “Cách mạng được hoài thai bởi những thiên tài, thực hiện bởi những kẻ cuồng tín còn thành quả của nó thì bị những kẻ cơ hội lợi dụng.”

Ở Saint Petersburg, tôi lại thấy một lần nữa và rõ ràng hơn sự vô nghĩa của những cuộc Cách mạng lật đổ đã diễn ra trên đất Nga. Những cuộc Cách mạng chỉ tìm cách đạp đổ thật nhanh chế độ độc tài cũ nhưng lại không tìm cách xây dựng một hệ thống cân bằng để ngăn chặn lịch sử lập lại. Kết quả là, Cách mạng chỉ như một con lắc, đi từ trạng thái cực đoan này sang trạng thái cực đoan khác, tạo ra những thể chế mới còn khủng khiếp hơn những thế chế cũ.

Nhưng, tôi vẫn nuối tiếc những lý tưởng tự do đẹp đẽ trong những thời khắc ban đầu huy hoàng của Cách mạng. Có một câu rất hay “Tự do là ngọn lửa đầu tiên thổi bùng những đám cháy cách mạng. Cũng là cơn hồng thủy cuối cùng dìm tắt những đám cháy ấy.”

Vì tự do, con người làm cách mạng, nhưng chính sự mất tự do trong thể chế mới lại làm cho cảm hứng cách mạng ấy nhanh chóng vùi tắt.

Osho viết lý thuyết chu kỳ 7 năm của ông trong một cuốn sách có tên: “Trưởng thành – Trách nhiệm là chính mình”.

Còn tôi vẫn phân vân không biết khi con người tự đánh mất đi lý tưởng Cách mạng để trở thành những kẻ ôn hòa hay thậm chí phản cách mạng thì đó là trưởng thành hay tha hóa?

Khánh Duy