Archive for Tháng Tư 2009

Economist nói về Gói kích cầu Việt Nam

Tháng Tư 24, 2009

Việt Nam khẩn trương triển khai Gói kích thích kinh tế

 

Việt Nam đang thực hiện một gói kích thích kinh tế đầy hứa hẹn với tốc độ khá khẩn trương.

 

Các bộ phận trong gói kích thích kinh tế của Việt Nam đang trở nên rõ ràng hơn trong một vài tuần trở lại đây và đang có vẻ tạo được ảnh hưởng. Tốc độ khẩn trương của gói kích thích được công bố vào đầu năm 2009, cho thấy các nhà làm chính sách ở Việt Nam nhận thức rõ sự khẩn thiết phải giảm nhẹ tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu tới nền kinh tế nội địa. Tuy nhiên, cũng có nhiều mối nghi ngờ xung quanh hiệu quả của chương trình kích thích cũng như hậu quả tiềm tàng của nó đối với ngân sách quốc gia.

 

Một trong những thành tố chính của gói kích thích kinh tế là khoản hỗ trợ lãi suất 4% cho những khoản vay ngắn hạn, gói này đang được khối doanh nghiệp rất háo hức đón nhận. Mục tiêu của gói kích thích này là giúp giảm lạm phát, hỗ trợ các công ty trong việc duy trì khả năng sản xuất và giữ công ăn việc làm. Tuy nhiên, quy mô của việc cho vay theo chương trình này cho thấy nó được sử dụng chủ yếu để các doanh nghiệp đảo nợ. Tất cả các công ty trừ những đơn vị hoạt động trong các lĩnh vực được coi là “tiêu cực” (như môi giới chứng khoán, nhập khẩu hàng tiêu dùng và đầu tư bất động sản) đều có quyền được tiếp cận gói hỗ trợ này. Tất cả các ngân hàng thương mại và công ty tài chính đều có trách nghiệm cung cấp các khoản vay ngắn hạn cho doanh nghiệp với lãi suất ưu đãi và đương nhiên sẽ nhận được khoản bù lãi suất từ Ngân hàng Nhà nước (SBV).

 

Cho đến giữa tháng 4, khoảng 220 nghìn tỉ đồng tức khoảng 12,4 tỉ đô la Mỹ tiền vay mới đã được giải ngân theo chương trình cho vay hỗ trợ lãi suất này. SBV dự tính con số này sẽ tăng lên tới 420 nghìn tỉ vào cuối năm 2009 (khi chương trình hỗ trợ lãi suất kết thúc). Các ngân hàng thương mại thuộc sở hữu nhà nước là những đơn vị năng động nhất trong việc cung cấp các khoản vay này còn chi nhánh các ngân hàng nước ngoài ít tích cực hơn cả. Khoảng 60 % khoản vay đã được cung cấp cho các công ty tư nhân, phần còn lại chẩy vào khối doanh nghiệp nhà nước và hợp tác xã.

 

Một thành tố khác trong chương trình kích thích kinh tế của chính phủ là chương trình bảo đảm tín dụng mới để hỗ trợ ngân hàng thương mại cho doanh nghiệp vừa và nhỏ vay. Việt Nam đã từng lưỡng lự khi triển khai những quỹ đảm bảo tín dụng trong quá khứ, chủ yếu là ở cấp tỉnh, với thành công hết sức hạn chế. Chương trình mới này là ở cấp độ quốc gia. Ngân hàng phát triển Việt Nam (VDB) được uỷ quyền là đơn vị cấp vốn duy nhất. Khác với thường lệ, VDB có thể đảm bảo 100% khoản vay, cho cả khoản vay đôla Mỹ lẫn tiền đồng. Những doanh nghiệp đủ tiêu chuẩn phải có ít hơn 500 nhân viên, vốn đăng ký ít hơn 20 tỉ đồng và đảm bảo không có những khoản nợ ngân hàng hoặc nợ thuế quá hạn. Khác với chương trình hỗ trợ lãi suất, VDB có quyền quyết định công ty nào sẽ nhận được khoản đảm bảo.

 

Thông báo mới đây của chính phủ vào 18 tháng 4 cho biết có hàng loạt những biện pháp kích thích khác nhắm vào khu vực kinh tế nông nghiệp, khu vực bị tổn thương nặng nề nhất bởi suy thoái toàn cầu. Chính sách mới bao gồm các khoản vay phi lãi suất để mua thiết bị nông nghiệp và vay hỗ trợ lãi suất cho phân bón và các đầu vào cho nông nghiệp khác. Khu vực nông nghiệp của Việt Nam tạo công ăn việc làm cho 2 phần 3 dân số và góp phần khá lớn vào xuất khẩu.

 

Những quan ngại về ngân sách

 

Mặc dầu việc áp dụng nhanh chóng gói kích thích kinh tế này có tác động khích lệ lớn, tuy nhiên, cách tiếp cận mạnh mẽ của chính phủ đã làm dấy lên những quan ngại về ảnh hưởng của nó lên nền tài chính công. Ngân sách cuộc gia đã bị đặt dưới áp lực nặng nề bởi sự sụt giảm nguồn thu từ thuế. Trong những năm gần đây, nguồn thu từ dầu thô luôn đóng vai trò quan trọng đối với chính phủ. Nhưng với việc giá dầu thế giới giảm mạnh từ điểm đỉnh năm 2008, nguồn thu của chính phủ sẽ bị giảm mạnh, ảnh hưởng rõ rệt tới những kế hoạch chi tiêu.

 

Trong một nỗ lực tăng ngân quỹ cho những dự án thuộc gói kích thích, chính phủ gần đây bắt đầu phát hành trái phiếu đôla Mỹ, với mục tiêu phát được khoảng 1 tỉ đô la trái phiếu với nhiều kỳ hạn khác nhau trong năm 2009. Tuy nhiên, những nỗ lực này có vẻ như không thành công bởi nhà đầu tư mong muốn một lợi nhuận cao hơn những gì chính phủ sẵn sàng trả.

 

Viện tới các nhà tài trợ

 

Nhu cầu ngày càng tăng để đảm bảo những khoản chi thêm đã khiến chính phủ phải viện đến các nhà tài trợ quốc tế một cách quyết liệt và trách nhiệm hơn, tuỳ thuộc vào từng đối tác khác nhau. Chính phủ Nhật bản đã nối lại viện trợ phát triển chính thức cho Việt Nam, sau khi công an bắt giữ ít nhất hai quan chức Việt Nam bị buộc tội đã ăn hối lộ trong một dự án xây dựng gần Thành phố Hồ Chí Minh.

 

Viện trợ phát triển chính thức (ODA) ngày càng đóng vai trò quan trọng đối với Việt Nam trong bối cảnh đầu tư trực tiếp nước ngoài và kim ngạch xuất khẩu đều giảm. Các đối tác phát triển của Việt nam đang có lợi thế trong việc thúc đẩy Việt Nam cải cách kinh tế hơn so với những năm gần đây, khi Việt Nam còn nhận được những khoản đầu tư khổng lồ và mong muốn cải cách của các nhà hoạch định chính sách có vẻ như xẹp xuống. Tuy nhiên, ngay cả khi thực trạng này không xảy ra thì chính phủ cũng sẽ phải nỗ lực xoa dịu sự thất vọng của nhà tài trợ, do tỉ lệ giải ngân vốn ODA chậm bởi sự thờ ơ của hệ thống hành chính cũng như năng lực yếu kém của một số cơ quan nhà nước.

 

Ở thời điểm hiện tại, việc giải ngân là rất cần thiết để đẩy mạnh nền kinh tế nội địa đang yếu. Vì vậy, nỗ lực loại bỏ nút cổ chai đang kìm hãm việc giải ngân vốn ODA hiển nhiên phải là một vấn đề cấp thiết.

Công thức thành công hay những ảo tưởng ngờ nghệch?

Tháng Tư 21, 2009

 

 

Đối với những ai còn đang lâng lâng tâm đắc với những bí quyết thành công được viết ra trong những cuốn sách kinh doanh nhan nhản hiện nay thì có lẽ Hiệu ứng Hào quang của giáo sư Phil Rosenzweig là một gáo nước lạnh. Gáo nước không thèm đổ vào những cuốn sách thông thường mà ụp xuống đầu những “quả bom tấm” đang được giới CEO ca ngợi nhiệt liệt.

 

Kẻ phá bĩnh

 

Steve Balmer, thủ lĩnh của Microsoft nói rằng ông gối đầu giường cuốn sách “Từ tốt đến Vĩ đại” của tác giả Jim Collins. Không chỉ Balmer, CEO khắp nơi trên thế giới tìm đọc cuốn sách của Jim Collins để tìm hiểu “công thức” xây dựng một công ty vĩ đại. Cuốn này cùng với cuốn “Xây dựng để trường tồn” của Collins đều đã được dịch ra tiếng Việt. Có lẽ đó là hai cuốn sách kinh doanh được các giám đốc ở Việt Nam đọc và bán tán nhiều nhất.

 

Trong khi thế giới đang tung hô Jim Collins diễn thuyết trên bục thì có một người lại ném lên đó “một chiếc giầy”. Kẻ phá bĩnh đó là Phil Rosenzweig, giáo sư Viện Phát triển quản lý quốc tế (IMD); và chiếc giày đó là cuốn “Hiệu ứng Hào quang”.

 

Không chỉ Jim Collins, chiếc giầy còn được ném về phía nhiều tác giả khác là các giáo sư quản trị kinh doanh, các nhà nghiên cứu quản trị cũng như một số tác giả sách bán chạy nhất trong lĩnh vực quản trị doanh nghiệp. Một mũi tên bắn nhiều con chim, Phil Rosenzweig đã nhập vai một người “chọc gậy bánh xe” hoàn hảo khi phê phán tất cả các thể loại công thức thành công chỉ là những ảo vọng.

 

“Cô gái” khác… “bà già”

 

“Điểm khác biệt giữa một quý bà và một cô gái không phải ở cách xử thế của họ, mà ở cách họ được đối xử như thế nào.” Rosenzweig trích dẫn câu nói dí dỏm của Bernard Shaw trong cuốn sách.

 

Đàn ông vây quanh, nhìn ngắm, ngưỡng mộ những cô gái trẻ đẹp, chẳng ai làm thế với một bà già. Tất nhiên rồi, với các công ty cũng thế, báo chí tôn vinh, ca ngợi các công ty thành công và CEO của nó lên tận mây xanh. Còn những công ty thất bại thì đương nhiên chẳng ma nào đoái hoài tới.

 

Công ty thành công nào mà chẳng được ngợi ca rằng có những giám đốc táo bạo, mạnh mẽ, sẵn sàng chấp nhận mạo hiểm, dám nghĩ dám làm, có tầm nhìn vượt trội, liêm chính, sẵn sàng hi sinh sự phát triển của công ty…

 

Công ty thành công nào chẳng được suy tôn rằng có những chiến lược tập trung, kiên định, thực tế; một nền văn hóa khuyến khích sáng tạo, một hệ thống nhân sự luôn cam kết vì sự hoàn hảo…

 

Khí một công ty đang ở đỉnh vinh quang, báo chí, nhân viên, đối tác, khách hàng thi nhau “bốc thơm” họ. Phil Rosenzweig gọi đó là Hiệu ứng hào quang. Chúng ta luôn nhìn thấy quanh những vì sao là một vầng hào quang lấp lánh.

 

Một số cuốn sách kinh doanh bán chạy nhất hiện nay đều dựa trên dữ liệu nghiên cứu là hàng ngàn bài báo viết về các công ty thành công, cũng như thực hiện hàng trăm cuộc phỏng vấn đối với nhân viên, đối tác của họ. Theo Phil Rosenzweig, người viết sách không thể thu được kết quả chính xác từ những dữ liệu đó bởi tất cả sẽ chỉ là hào quang.

 

Rosenzweig đưa ra hai ví dụ nghiên cứu là công ty Cisco và công ty ABB. Khi ở trên đỉnh thành công, họ được báo giới và doanh giới ca ngợi như trên. Đến khi hai công ty này xuống dốc, những giám đốc táo bạo ngày nào bỗng bị chê là liều lĩnh, những giám đốc liêm chính ngày nào bỗng biến thành những kẻ tham tiền.

 

Còn những chiến lược trước đây được khen ngợi là tập trung nay bị gọi là bảo thủ, nền văn hóa công ty trước được coi là gắn kết thì nay bỗng bị phê bằng những từ ngữ nặng nề nhất. Câu chuyện cổ tích thế là tan vỡ…

 

Phil Rosenzweig cho rằng đa số những cuốn sách tuyên bố đưa ra những bản thiết kế để xây dựng công ty thành công đều chỉ là những câu chuyện cổ tích. Tác giả của nó là người giỏi kể chuyện chứ không phải nhà nghiên cứu khoa học bởi tất cả những dữ liệu đều không mang tính chính xác của khoa học do bị che mờ bởi hiệu ứng hào quang.

 

Người đọc tất nhiên khoan khoái khi nghe những câu chuyện cổ tích thú vị, họ mơ màng nhìn lên bầu trời đầy sao và tưởng tượng ra vẻ đẹp lung linh của nó. Những tất cả chỉ là ảo tưởng, những vì sao lấp lánh hào quang kia khi đến gần cũng chỉ là lớp đất đá xù xì…

 

Thầy bói xem voi

 

Hiệu ứng hào quang chỉ là một trong số nhiều ảo tưởng mà các nhà nghiên cứu kinh doanh mắc phải. Rosenzweig đã chỉ ra tới 8 ảo tưởng khác làm mờ mắt các nhà nghiên cứu, biến họ thành những ông thầy bói xem voi hơn là nhà khoa học.

 

Một ảo tưởng thú vị khác mà Rosenzweig gọi là ảo tưởng về sự tương quan và quan hệ nhân quả. Ví dụ như một nhà nghiên cứu có thể đưa ra mệnh đề: Đào tạo nguồn nhân lực mạnh là yếu tố then chốt tạo ra thành công của một công ty. Ông ta sẽ liên tục tìm ra mọi dẫn chứng và số liệu để chứng minh cho mệnh đề của mình.

 

Một bài báo hay thậm chí cả cuốn sách có thể ra đời từ chỉ một mệnh đề đó và đương nhiên, người đọc sẽ bị thuyết phục bởi chất chồng những nghiên cứu tình huống và số liệu thực tế mà nhà nghiên cứu đưa ra. Tuy vậy, cả nhà nghiên cứu và người đọc đều quên một điều: Đào tạo nguồn nhân lực và thành công có mối quan hệ tương quan chứ không hẳn là nhân quả của nhau.

 

Đúng là đào tạo nguồn nhân lực mạnh có thể sẽ khiến một công ty có nền tảng tốt hơn để phát triển nhưng cũng có thể nhờ công ty phát triển nên mới có tiền nhiều để đào tạo nguồn nhân lực. Hai yếu tố này tương quan với nhau theo kiểu con gà quả trứng, rất khó để minh định xem cái gì tác động tạo ra cái gì. Vội vã kết luận rằng đào tạo nguồn nhân lực là chìa khóa của thành công là một sự nông nổi.

 

Còn hơn thế, nguồn nhân lực chỉ là một yếu tố trong vô vàn yếu tố có khả năng tác động tới hiệu quả công ty. Rosenzweig đưa ra những ví dụ từ nghiên cứu của các đồng nghiệp. Người cho rằng định hướng thị trường đóng góp 25% thành công của công ty, kẻ tuyên bố trách nhiêm xã hội tập thể (CRS) đóng góp tới 40% hiệu quả công ty. Một nghiên cứu khác thì đương nhiên kết luận quản trị nguồn nhân lực góp 5% trong tăng trưởng doanh thu và vai trò của giám đốc góp 15%. Cộng gộp lại thì có lẽ chỉ 4 yếu tố đó đã chiếm mất 85%.

 

Thế còn vô thiên lủng những khía cạnh khác từ: văn hóa công ty, chiến lược cạnh tranh, năng lực tài chính…. thì sẽ đóng góp bao nhiêu phần trăm nữa??? Chỉ một ví dụ đó, Rosenzweig đã cho thấy tính phiến diện của các nghiên cứu, mỗi nghiên cứu chỉ nhìn nhận một yếu tố trong khi thực chất các yếu tố đan xen vào nhau tới mức không thể xác minh rõ ràng chúng tác động tới nhau và tới kết quả chung như thế nào.

 

Tác giả gọi đó là ảo tưởng bởi những giải thích phiến diện. Mỗi nhà nghiên cứu như một ông thầy bói sờ một con voi và vội vã tuyên bố phát minh của mình. Ngay cả khi mỗi nghiên cứu đơn lẻ được tập hợp thành một bản thiết kế tổng thể thì cũng vẫn còn quá nhiều yếu tố bị bỏ sót. Thực hiện theo những thiết kế đó không bao giờ đảm bảo thành công.

 

Chuyện thành công hay chuyện cổ tích?

 

Rosenzweig dẫn lại một nghiên cứu của Michael Porter. Giáo sư chiến lược của Harvard đã nghiên cứu hàng ngàn công ty từ năm 1984 đến 1994 và kết luận rằng những yếu tố riêng biệt nội bộ đó chỉ đóng góp có… 32% cho hoạt động chung. Thế thì 68% còn lại thuộc về cái gì? Nó thuộc về những yếu tố bên ngoài từ bản chất của ngành kinh doanh, quan hệ hợp tác, may mắn và thậm chí là những yếu tố… chưa biết.

 

Trong môi trường kinh doanh bất định, liên tục bị tác động bởi những yếu tố bên ngoài như đối thủ cạnh tranh, sự thay đổi công nghệ, chính sách vĩ mô… việc vẽ ra một sơ đồ đi tới thành công là một ảo tưởng lớn. Và ngay cả việc nghĩ rằng sẽ có được những công ty thành công vĩ đại và trường tồn trong thế giới kinh doanh này cũng là một ảo tưởng nốt.

 

Tất cả những điều đó chỉ là những câu chuyện cổ tích lấp lánh ánh hào quang nơi có một chàng hoàng tử tức giám đốc nào đó “biết cách nắm giữ những giá trị quan trọng, vạch ra một tầm nhìn tươi sáng, quan tâm tới nhân viên, tập trung vào khách hàng và phấn đấu cho sự hoàn hảo…”.  

 

Rosenzweig nói rằng ông đánh giá cao những giá trị và lý tưởng đó trong các cuốn sách quản trị nổi bật hiện nay. Đi theo những con đường đó không có gì xấu cả, nếu không muốn nói rằng tốt. Nhưng sẽ không có gì đảm bảo rằng đó là con đường dẫn câu chuyện tới kết thúc có hậu. Chàng hoàng tử có tìm thấy công chúa của mình hay không còn phụ thuộc vào nhiều điều khác.

Chúng ta phi lý trí như thế nào?

Tháng Tư 11, 2009

Chúng ta phi lý trí như thế nào?

 

Theo quan niệm thông thường, con người nói chung luôn hành động theo lý trí của mình trừ những người “mất trí”. Thế nhưng trong cuốn sách bestseller trên toàn thế giới Predictably Irrational (Tính phi lý trí có thể dự đoán được), Dan Ariely, giáo sư kinh tế học hành vi của Học viên công nghệ Massachusetts MIT, đã thực hiện nhiều thí nghiệm đặc biệt để chứng minh rằng: trong rất rất nhiều tình huống, con người không chỉ phi lý trí mà còn phi lý trí có hệ thống.

 

Bạn sẵn sàng rút 2000 đồng cho một người ăn mày nghèo khổ trên đường. Nhưng cũng chính bạn lại cò kè từng 2000 bạc với bà đồng nát khi bán mớ báo cũ trong nhà.

 

Bạn sẵn sàng bỏ ra 10 triệu để chụp bộ ảnh cưới thật đẹp mà chỉ xem một vài lần rồi cất vào tủ. Nhưng chắc chắn bạn sẽ rất cân nhắc và suy tính cẩn thận khi quyết định mua một chiếc máy ảnh với giá 10 triệu trong khi bạn có thể dùng nó nhiều năm liền.

 

Bạn sẵn sàng đi cả chục cây số từ nhà bạn ở Cầu Giấy tới tận Hồ Gươm để mua một cuốn sách giảm giá 20.000đ. Nhưng chắc chắn bạn không mất công như vậy nếu biết rằng có một chiếc máy giặt giảm giá 20.000 đồng ở Hồ Gươm so với giá bán ở cửa hàng gần nhà bạn.

 

Bạn sẵn sàng giúp một cô gái lắp lại xích của chiếc xe đạp nếu cô ấy ngỏ ý nhờ bạn. Nhưng nếu cô ta đưa cho bạn 10.000đ để bạn làm điều đó thì chắc chắn bạn đã bỏ đi.

 

Bạn cảm thấy một món ăn ngon hơn khi có người khác bỗng khen rằng ngon nhỉ (cho dù có khi món ăn đó cũng không ngon đến vậy). Bạn cảm thấy mình nhỏ bé hơn, khúm núm hơn khi có dịp nói chuyện với một người nổi tiếng cho dù có khi anh ta cũng chẳng hơn gì bạn xét về cả hình thức lẫn trí tuệ.

 

Nhưng không chỉ bạn phi lý, tất cả chúng ta đều luôn phi lý. Và không chỉ trong chuyện tình cảm chúng ta phi lý, mọi quyết định trong mọi lĩnh vực chúng ta đều phi lý. Và không chỉ một vài lần phi lý, chúng ta liên tục phi lý, phi lý có hệ thống, phi lý có thể dự đoán được.

 

Các doanh nhân lắm tiền nhiều của vẫn mua những bức họa chỉ đáng vài triệu với giá vài chục thậm chí vài trăm triệu chỉ để “có” nó. Những nhà đầu tư vẫn mua các cổ phiếu của những công ty “phọt phẹt” với cái giá cao ngất trời chỉ vì những người khác cũng đang làm thế, trong khi giá của nó chỉ vài tháng trước ở mức thấp không tin nổi thì chẳng ai đoái hoài. Nhiều người bệnh đã cảm thấy đỡ mặc dù bác sỹ chỉ cho họ uống thuốc giả vờ hoặc phẫu thuật giả vờ để trấn an tâm lý. Con người nhìn chung vẫn phi lý trí một cách dễ đoán định như vậy.

 

Nhà kinh tế học hành vi của đại học MIT đã chỉ ra điều đó trong cuốn sách mới của ông: Predictably Irrational (từ nay dịch tắt là Phi lý trí). Được xuất bản ở Mỹ đầu năm 2008, cho tới nay, cuốn sách vẫn nằm trong danh sách bán chạy nhất trên trang mạng amazon.com.

 

Trong Phi lý trí, Dan Ariely đã tiến hành nhiều khảo sát hành vi kỳ lạ để chứng minh cho các quan điểm của mình. Ông cho rằng sở dĩ chúng ta luôn phi lý trí bởi một số các tác động nhất định như: quy luật tương đối, quy tắc xã hội, sự hưng phấn… Mỗi chương trong cuốn sách, tác giả dành để mô tả một tác động như thế bằng nhiều thí nghiệm khác nhau.

 

Hiệu ứng vật làm “nền”

 

Một thí nghiệm tiêu biểu mà Ariely đã đưa ngay vào đầu cuốn sách của mình là “chiêu thức” tạp chí The Economist đã dùng để Marketing cho sản phẩm của họ. Họ đưa ra báo giá cho sản phẩm của mình như sau:

1.        Đặt tạp chí điện tử giá 59 đô-la

2.        Đặt tạp chí in giá 125 đô-la

3.        Đặt cả tạp chí in và tạp chí điện tử giá 125 đô-la

Nhìn vào báo giá trên thấy rõ ràng sẽ không ai phi lý đến nỗi chọn phương án thứ 2, phương án này gần như chỉ đưa vào để “làm nền”. Tác giả kiểm chứng bằng cách đưa ra ba lựa chọn này cho 100 sinh viên ở trường Quản lý Kinh doanh Sloan của Học viện Công nghệ Massachusetts (MIT), có 16 sinh viên đã chọn lựa phương án số 1 và 84 sinh viên chọn phương án số 3, đương nhiên không ai chọn phương án số 2.

Tác giả thử bỏ phương án “làm nền” số 2 và thử nghiệm với 100 sinh viên khác. Kết quả ngược lại hoàn toàn. “Lần này, 68 sinh viên chọn đặt tạp chí điện tử với giá 59 đô-la, tăng từ 16 sinh viên trước đó.  Chỉ có 32 sinh viên chọn đặt cả tạp chí điện tử và tạp chí in với giá 125 đô-la, giảm từ con số 84 trước đó.”

Với chủ một phương án “làm nền” được đưa vào, quyết định của chúng ta đã thay đổi hoàn toàn. Phương án làm nền số 2 đã đẩy sự chú ý của chúng ta hướng tới phương án số 3 và cho chúng ta có cảm giác rằng phương án đó rẻ hơn cả. Thực chất thì không phải vậy và trong khoảng khắc lựa chọn đó, chúng ta đã trở nên phi lý trí. Hiệu ứng “làm nền” là “tác nhân bí mật trong nhiều quyết định hơn chúng ta tưởng tượng.”

Hiệu ứng mỏ neo

Một câu chuyện khác rất đặc sắc được Ariely đưa vào trong cuốn sách là chuyện về “những viên ngọc trai đen”. Năm 1973, nhà buôn ngọc trai người Mỹ Assael gặp một chàng trai người Pháp, chàng trai này sở hữu một đảo san hô ở đó có loài ngọc trai vỏ đen. Vỏ đen của những con trai này gợi cho nhà buôn Assael ý tưởng về những con ngọc trai đen.

Hai doanh nhân này nhanh chóng kết hợp với nhau để “thu hoạch ngọc trai đen và bán cho toàn thế giới”. Nhưng mọi nỗ lực tiếp thị đều thất bại bởi người ta không quan tâm tới loại ngọc trai này. Tuy nhiên, thay vì vứt đi hoặc bán giá rẻ, Assael đã khôn ngoan mang chúng tới nhờ trưng bày tại cửa hàng danh tiếng của bạn ông, nhà buôn đá quý huyền thoại Harry Winston. Tất nhiên, những viên ngọc trai đen được gắn với một mức giá cao đến kinh ngạc. Assael còn đăng loạt bài dài quảng cáo về sự quý hiếm của ngọc trai đen Tahiti trên nhiều tạp chí với hình ảnh những chuỗi ngọc trai đen bên cạnh kim cương, đá hồng ngọc và ngọc lục bảo.

Ngọc trai đen từ chỗ bán chẳng ai mua ở thành cơn sốt ở Manhattan dù được bán với giá cắt cổ. Nguyên nhân lại chính là mức giá cắt cổ đó và cách thức quảng bá khôn ngoan của Assael. Assael đã tạo ra một ấn tượng mạnh trong tâm trí mọi người là ngọc trai đen là thứ bảo vật đắt tiền, quý hiếm, sang trọng và khan hiếm.

Giả sử ông thực hiện chiến lược bán tốc bán tháo số ngọc trai ấy với giá rẻ thì chắc chắn đã rất ít người mua, thậm chí có lẽ ngọc trai đen cũng không có được vị thế siêu đẳng cấp như bây giờ. Mức giá cắt cổ đã tạo ra một ý niệm ban đầu trong xã hội về sự quý hiếm của ngọc trai đen. Ariely gọi đó là “cố kết tuỳ ý” hay một chiếc mỏ neo ban đầu, chiếc mỏ neo đó có tác động lâu dài đối với việc chúng ta sẵn sàng mua ngọc trai với mức giá tương tự và cao hơn trong tương lai.

Không chỉ với ngọc trai đen, chúng ta luôn tự “neo mình” vào mức giá đầu tiên khi quyết định mua đủ loại hàng hóa. Chúng đắt hay rẻ chỉ là cảm nhận của chúng ta trên tương quan so sánh với chiếc mỏ neo đã khắc sâu trong não, chứ không phải lúc nào cũng dựa trên tính toán duy lý của chúng ta về giá trị sử dụng thực. Vô số hàng hóa được gắn lên đó một thương hiệu đẳng cấp và bán với giá “trên trời”. Chúng ta không chỉ mua hàng hóa, chúng ta đã mua thương hiệu; chúng ta không quyết định mua hàng trên cơ sở giá cả hợp lý mà đã để sự phi lý của giá cả tác động tới quyết định của mình.

Đi xa hơn thế, giáo sư MIT Ariely còn tự hỏi: “Có phải cuộc sống mà chúng ta đang tạo dựng phần lớn chỉ là sản phẩm của sự cố kết tùy ý? Liệu đó có phải là cách chúng ta lựa chọn sự nghiệp, người bạn đời, quần áo và cách chúng ta tạo kiểu tóc cho mình không? Đó có phải là những quyết định thông minh hay không? Hay chúng chỉ là những dấu ấn đầu tiên có phần ngẫu nhiên và lộn xộn?”

Đó là những câu hỏi đáng để suy nghĩ, mỗi chúng ta cần xem lại những mỏ neo của cuộc đời mình để thấy chúng ta đã phi lý như thế nào trong vô số quyết định từ nhỏ nhặt nhất tới trọng đại nhất trên con đường đã qua. Phi lý trí của Ariely gợi mở, khuyến khích chúng ta nhìn nhận lại tất cả những quyết định đó, rút ra bài học từ những sai lầm trong hành vi của chính mình và những người khác.

“Chúng ta thường nghĩ mình đang ngồi ở vị trí người lái, với sự kiểm soát đối với những quyết định chúng ta đưa ra và hướng rẽ cuộc đời chúng ta lựa chọn; nhưng rất tiếc, nhận thức này liên quan nhiều tới mong muốn của chúng ta – với việc chúng ta muốn nhìn nhận bản thân ra sao – hơn là với thực tế.” Ariely đã viết như vậy ở phần cuối cùng của cuốn sách. Nếu như chúng ta luôn bị ảnh hưởng bởi cảm xúc, luôn suy nghĩ cứng nhắc theo một khuôn mẫu, thì chúng ta sẽ vẫn tiếp tục phi lý trí một cách có hệ thống, sẽ tiếp tục sai lầm và sẽ “chỉ là một con tốt trong một trò chơi mà hầu như chúng ta không thể hiểu cách đi của nó…”

Khánh Duy

 

 

 

 

 

 

Cơ hội nào cho hàng ế trong kỷ nguyên số?

Tháng Tư 11, 2009

Cơ hội cho hàng “ế” trong kỷ nguyên số?

 

Rất công phu và ngập tràn những ý tưởng mới mẻ, Chris Anderson đã làm được một việc ý nghĩa: giúp chúng ta hiểu truyền thông nói chung và ngành kinh doanh truyền thông nói riêng đã đổi thay như thế nào trong kỷ nguyên số. Những lập luận trong cuốn sách Cái đuôi dài của ông thách thức cả những quy luật tưởng như đã bất biến trong kinh tế và kinh doanh.

 

Kỷ nguyên hit và Nguyên lý 80/20

 

20% sản phẩm tạo ra 80% doanh số. 20% dân số nắm giữ 80% của cải toàn xã hội. 20% thời gian tạo ra 80% hiệu quả. Một thiểu số quan trọng tạo ra đa số kết quả. Đó là nội dung của quy luật 80/20, một quy luật vẫn thường được gọi là Nguyên lý Pareto theo tên nhà kinh tế học người Ý đã phát kiến ra nó.

 

Nguyên lý Pareto được áp dụng trong nhiều lĩnh vực nhưng tỏ ra đặc biệt đúng trong truyền thông.

 

Ví dụ, một số ít bộ phim bom tấn đem lại doanh thu khổng lồ trong khi đa số các bộ phim còn lại chỉ hòa vốn hoặc lỗ.

 

Một số ít các cuốn sách trở thành best seller đem lại lợi nhuận cao còn đa số nằm im trên giá bán lay lắt hoặc không được bán.

 

Một số ít các tờ báo có lượng độc giả lớn trong khi đa số chẳng mấy người ngó ngàng tới.

 

Một số ít các chương trình truyền hình nhiều người xem trong khi đa số chẳng để lại ấn tượng gì.

 

Những sản phẩm truyền thông bom tấn, bestseller đó được Anderson gọi là sản phẩm hit. Kỷ nguyên chúng ta đã trải qua trong suốt nhiều thập niên trước đây là kỷ nguyên hit. Kỷ nguyên đó chỉ tôn vinh một thiểu số những sản phẩm đem lại đa số doanh thu. Quy luật 80/20 thể hiện tính chính xác của nó trong kỷ nguyên hit truyền thống.

 

 

 

 

Quy luật 98% trong kỷ nguyên số

 

Chris Anderson thừa nhận quy luật 80/20 nhưng cho rằng trong kỷ nguyên thông tin mà Internet phát triển với tốc độ như hiện nay, quy luật 80/20 đã bị biến dạng, nói chính xác hơn thì bị làm nhẹ đi rất nhiều. Các thiểu số sản phẩm hit không hoàn toàn tạo ra đa số doanh thu như thời kỳ trước.

 

Ngược lại, trong kỷ nguyên kỹ thuật số, những sản phẩm thời kỳ trước chẳng mấy ai đoái hoài nay lại có thêm “đất diễn”, những sản phẩm thời kỳ trước luôn bán chậm nhất nay lại có thể bán được nhiều hơn. Anderson gọi những sản phẩm như vậy là sản phẩm ngách.

 

Tại sao lại xảy ra hiện tượng đó, tại sao sản phẩm hit giờ đây không còn thống trị mạnh mẽ như trước và sản phẩm ngách dù không nổi bật cũng vẫn tiêu thụ được?

 

Anderson lý giải những câu hỏi đó bằng lý do công nghệ, trong vài ba năm trở lại đây, sự xuất hiện của Internet đã làm cho “kỷ nguyên thống trị của các sản phẩm hit kết thúc.”

 

Trong giai đoạn trước, doanh thu của các bộ phim đến đa số từ việc bán vé ở các rạp. Các rạp thì luôn hữu hạn về số phòng và thời gian chiếu. Một bộ phim không bán được vé hoặc không bán được nhiều vé ngay lập tức được thay thế bằng một bộ phim khác “bom tấn” hơn. Sự hữu hạn của không gian và thời gian đã không tạo cơ hội thứ hai cho những bộ phim dù hay nhưng không bùng nổ.

 

Điều tương tự cũng xảy ra trong lĩnh vực âm nhạc. Giai đoạn trước, doanh thu từ việc kinh doanh nhạc phẩm đến phần nhiều từ việc bán đĩa. Nhưng không gian hữu hạn của một cửa hàng băng đĩa chỉ cho phép trưng bày những sản phẩm có tính thương mại đủ lớn.

 

Lĩnh vực sách cũng hoàn toàn như vậy. Chỗ trên giá của những hiệu sách lớn chỉ dành cho những cuốn bán chạy nhất hoặc bán tốt thường xuyên. Những cuốn không bán được số lượng kha khá sẽ sớm bị trả lại.

 

Trong đa số các lĩnh vực truyền thông, sự hữu hạn của không gian truyền thông đã cản trở bước tiến của những sản phẩm ở chiếu dưới xét trên khía cạnh thương mại. Nói chính xác thì là, trong canh bạc truyền thông luôn xảy ra tình trạng “được ăn cả, ngã về không”, bom tấn hoặc thua lỗ.

 

Tính nhân văn của kỷ nguyên kỹ thuật số là ở chỗ nó tạo cơ hội đứng dậy cho những “kẻ thất bại” trong kỷ nguyên hit trước đó. Không gian trên Internet luôn mênh mông chứ không hữu hạn như những cửa hàng bán lẻ thông thường.

 

Anderson đưa ra những số liệu về sự khác biệt đó: “Công ty Itunes đã cung cấp số lượng đĩa nhạc gấp gần 40 lần so với hệ thống Wal-Mart. Netflix có thể cung cấp lượng đĩa DVD gấp 80 lần so với cửa hàng BlockBuster. Amazon cung cấp nhiều gấp 40 lần so với nhà sách Borders.”

 

Hệ thống bán lẻ trên mạng đã tạo ra cơ hội vàng cho những sản phẩm ngách trước đây bị thải loại, ít nhất đó là cơ hội được “bày bán”. Đa số mọi người sẽ nghĩ rằng với những sản phẩm “ế” như vậy thì “được bán” nhưng chắc gì đã “được mua”.

 

Khi được dự đoán, phần lớn người được hỏi đều cho rằng chỉ phân nửa số đầu sách có trên trang mạng amazon bán được ít nhất một lần trong quý. Nhưng kết quả cực kỳ bất ngờ, có tới 98% trong 100 nghìn đầu sách thượng vàng hạ cám trên amazon bán được ít nhất một lần trong quý.

 

Càng bất ngờ hơn khi quy luật 98% này đúng với cả các ngành kinh doanh thương mại điện tử khác. Anderson viết: “Quy luật 98% hóa ra gần như phổ quát. Công ty Apple cho biết, tất cả các bài hát trong một triệu bài lưu trữ trên itunes tại thời điểm đó được bán ít nhất một lần trong quý. Netflix cho biết 95% trong tổng số 25 nghìn đĩa DVD (giờ là 90 nghìn) được thuê ít nhất một lần trong quý.”

 

Với quy luật 98% này thì một bức tranh khác đã hiện ra. Những sản phẩm hit vẫn sẽ dẫn đầu bảng xếp hạng nhưng những “cái đuôi” theo sau sẽ cũng có chỗ đứng của nó chứ không “chết hẳn” như xưa.  

 

Phần đầu thì luôn rất ngắn còn phần đuôi lại rất dài. Mỗi một sản phẩm trong phần đuôi đem lại doanh số nhỏ nhưng cái đuôi ngày càng dài nên tổng doanh thu lại lớn. Trên amazon, tổng doanh thu của những đấu sách không được bán ở các nhà sách thông thường chiếm tới 30%.

 

Hơn thế nữa, thương mại điện tử lại đang chiếm một thị phần ngày càng lớn so với bán lẻ truyền thống. Hiện ở Mỹ, bán qua mạng đã bằng 90% so với bán lẻ, một con số ấn tượng thể hiện xu hướng tiêu dùng trong giai đoạn Internet hóa mọi thứ hiện nay

 

Thương mại điện tử còn cho phép tạo ra những khoảng trống vô tận mà chi phí không đáng kể. Sản phẩm bán được nhiều hơn với chi phí gần bằng 0 tạo ra lợi nhuận không hề nhỏ. Thực tế trong thời đại Internet đã thách thức lối tư duy cũ: chỉ có những sản phẩm bán được nhiều mới mang lại lợi nhuận còn những sản phẩm bán được ít thì không.

 

Kinh tế học của sự dư thừa

 

Không dừng lại ở việc đưa ra hiện tượng, Anderson tìm cách lý giải gãy gọn tại sao thời đại công nghệ thông tin lại kéo dài phần đuối và khiến nó mang lại lợi nhuận. Thời đại ấy đã khiến cho việc sản xuất, phân phối và kết nối cung cầu các sản phẩm truyền thông trở nên “nhanh, nhiều, tốt, rẻ” hơn bao giờ hết. Các nguồn lực trở nên dồi dào và dư thừa chứ không khan hiếm như trước.

 

Kinh tế học truyền thống được định nghĩa là khoa học nghiên cứu sự phân bổ và sử dụng các nguồn lực khan hiếm. Đó là kinh tế học của sự khan hiếm. Nhưng Anderson lại chỉ ra rằng chúng ta đang sống trong kinh tế học của sự dư thừa. Công nghệ đã làm dư thừa nguồn lực.

 

Cuốn sách của Anderson đưa ra những lập luận mới mẻ, thách thức cả quy luật 80/20 cũng như kinh tế học khan hiếm. Cho dù nó không thể phủ định hoàn toàn được các nguyên lý trên nhưng “Cái đuôi dài” cũng cho người đọc những góc nhìn lạ, khơi gợi nhiều cảm hứng và suy nghĩ.

 

Những người đã, đang và dự định làm thương mại điện tử sẽ tìm thấy trong sách nhiều động lực để tiếp tục. Với những ai quan tâm tới truyền thông và công nghệ, cuốn này cho họ một cái nhìn hết sức tổng quát.

 

Còn những ai đang sản xuất các sản phẩm truyền thông thì nên nghe Anderson một cách có phê phán. Đang có cơ hội cho hàng ế nên cứ sản xuất chúng thật nhiều chắc chắn không phải là tư duy của người làm truyền thông chuyên nghiệp.

 

Khánh Duy

 

 

Làm thế nào để những ý tưởng kết dính?

Tháng Tư 11, 2009

Làm thế nào để thông điệp “kết dính” với người nghe?

 

Là một người viết, bạn muốn những bài viết của mình được nhiều người đọc. Là một giảng viên, bạn muốn những bài giảng của mình được đông đảo sinh viên thẩu hiểu. Là một nhà doanh nghiệp, bạn muốn thông điệp quảng bá sản phẩm của công ty mình đến được với công chúng. Cuốn sách nổi tiếng Made to Stick (Tạo ra thông điệp kết dính) của Dan Health và Chip Health  cung cấp cho người đọc các công cụ để thực hiện những mong muốn đó.

 

Trên những giảng đường, bạn thường thấy vô số sinh viên ngủ gật vì những bài giảng chán ngắt của thầy cô. Thực tế đáng buồn là đa số giảng viên không biết dạy cho dù kiến thức, bằng cấp của họ có cao siêu đến đâu.

 

Trên mặt báo, chỉ có một số ít bài bạn đọc hết, số còn lại bạn chỉ lướt qua cái tít. Một trong những lý do là quá nhiều bài báo được viết dài dòng, thiếu rõ ràng và buồn tẻ. Không phải cứ có thẻ nhà báo là viết được một bài báo hay.

 

Trên thị trường, hàng ngày, bạn nhận được vô số những thông điệp quảng cáo. Nhưng đa số đi vào ở tai này và lại đi ra ở tai kia của bạn. Bạn không có ấn tượng gì về những thông điệp đó một phần bởi những người có bằng MBA chưa chắc đã biết cách làm tiếp thị.

 

Mỗi chúng ta, trong suốt cuộc đời mình, luôn cần phải truyền đạt các ý tưởng, thông điệp đến những người khác. Nhưng tiếc là, đa sô chúng ta gần như không biết cách làm thế nào để những thông điệp ấy thật sự được người khác ghi nhớ, khắc sâu. Hay nói theo cách của hai tác giả cuốn Made to Stick thì, chúng ta không biết cách làm cho các thông điệp của mình “kết dính” với người nghe.

 

Tại sao lại xảy ra hiện tượng đó và làm thế nào để có được sự kết dính như vậy? Cuốn Made to Stick trả lời những câu hỏi cực kỳ lý thú và hữu ích đó.

 

Ông nói gà, bà hiểu vịt

 

Ngay phần mở đầu cuốn sách, giáo sư kinh tế học hành vi của trường Stanford Chip Health và nhà tư vấn giáo dục Dan Health đã mô tả một trò chơi thú vị. Trò chơi có tên Người gõ nhịp và Người nghe.

 

Trò chơi này được thực hiện vào năm 1990 và kết luận của nó đã mang lại bằng tiến sỹ tâm lý học tại Stanford cho nghiên cứu sinh Elizabeth Newton. Trong trò chơi này, người gõ nhịp được nhận danh sách 25 bài hát có giai điệu đơn giản và quen thuộc ví dụ bài “Happy birthday to you”. Sau đó, người gõ nhịp phải chọn một trong số đó,  rồi gõ nhịp cho người nghe (gõ tay vào bàn). Nhiệm vụ của người nghe là căn cứ vào nhịp gõ để đoán xem đó là bài hát gì.

 

Trong suốt cuộc thí nghiệm, có 120 bài hát được gõ nhưng chỉ có 3 bài được đoán đúng, tỉ lệ ở đây là 2,5%. Chuyện đoán bài hát qua nhịp gõ đương nhiên là khó khăn nên tỉ lệ này thấp cũng không quá bất ngờ.

 

Nhưng điểm bất ngờ là ở chỗ, trước khi tiến hành thí nghiệm, Newton đã hỏi người gõ nhịp là: “Anh/chị nghĩ khả năng người nghe đoán đúng là bao nhiêu phần trăm?”. Câu trả lời của họ là 50%, mức chênh lệch gấp 20 lần kết quả thực tế.

 

Kết luận ở đây rõ ràng, người chủ động gõ nhịp không thật sự thấu hiểu sự khó khăn và bị động của người nghe. Họ có giai điệu trong đầu và nghĩ rằng việc luận ra giai điệu quen thuộc đó quá đơn giản. Họ không đặt mình vào địa vị của người nghe nên đương nhiên, họ ảo tưởng về khả năng người nghe nắm bắt được nhịp gõ của họ.

 

Mỗi chúng ta khi truyền đạt một ý tưởng nào đó cũng không khác gì người đi gõ nhịp kia. Chúng ta nói theo cách của mình và nghĩ rằng người nghe cũng hiểu rõ điều chúng ta hiểu. Chúng ta không đặt mình vào địa vị của họ để thấy rằng khoảng cách giữa người nói và người nghe là quá lớn. Người nói có nhiều kiến thức về đề tài đang nói còn đa số người nghe thì không hẳn đã thế.

 

Vậy nên, chuyện “ông nói gà, bà hiểu vịt”, “nói ít hiểu ít, nói nhiều chẳng hiểu gì”, “nói như cơm nguội chẳng ai muốn nghe”, xảy ra như cơm bữa. Ở mọi nơi, mọi lúc, người ta ngủ gât, ngáp dài, chán nản khi phải cố gắng chịu đựng để nghe một ai đó nói. Đừng đổ tội cho người nghe, hãy đổ tội cho chính bản thân mình. Người ta không nghe bởi chúng ta không biết nói.

 

6 yếu tố tạo ra sự kết dính

 

Theo hai tác giả Chip Health và Dan Health thì một thông điệp được nói ra sẽ kết dính nếu có một số trong 6 thuộc tính cơ bản sau:

 

1) Simple (Đơn giản): Không có cái gì phức tạp, rối rắm mà lại được người khác ghi nhớ. Muốn được ghi nhớ, người truyền thông điệp phải tìm ra những điều cốt lõi nhất, cơ bản nhất, cô đọng nhất. Ví dụ: Jetstar là hãng hàng không giá rẻ. Thông điệp truyền thông của hãng rất đơn giản: giá rẻ hàng ngày, mọi người cùng bay. Thông điệp đó rất dễ đến với nhóm khách hàng muốn bay nhưng e ngại mức giá cao.

 

2) Unexpected (Bất ngờ): Muốn thu hút sự chú ý của người khác, bạn phải tạo ra được sự ngạc nhiên. Muốn duy trì sự chú ý đó, bạn phải liên tục khiến họ hứng thú. Tất cả chỉ có khi bạn biết cách tạo ra những bất ngờ. Nhiều bộ phim nước ngoài được người xem nhớ mãi vì liên tục có những tình tiết bất ngờ, đặc biệt phần kết. Còn phim Việt Nam “chưa xem đã biết kết cục” thì đương nhiên chẳng ai ấn tượng gì về nó cả.

 

3) Concrete (Cụ thể): Với đa số những người bình thường thì những thứ trừu tượng thường khó nắm bắt hơn là những điều cụ thể. Mọi thông điệp nên được cụ thể hóa để người nghe dễ tiếp cập. Ví dụ: Có rất nhiều cách tuyên truyền về nguy cơ đại dịch HIV lan tràn ở Việt Nam. Đưa ra các con số cụ thể là một cách hay. Ví dụ thông điệp: “Cứ 15 phút lại có một người Việt bị nhiễm HIV” gây tác động mạnh hơn bất kỳ những lời hô hào trừu tượng nào về nguy cơ của virus.

 

4) Credentialed (Đáng tin cậy): Không ai nhập tâm những thông điệp không đáng tin. Muốn những điều cần chia sẻ đi vào tâm trí con người, bạn phải tìm cách làm họ tin. Có nhiều cách để tăng tính tin cậy của thông điệp như tận dụng các yếu tố bên ngoài. Ví dụ: Mượn lời những người nổi tiếng, vĩ nhân để khẳng định lại kết luận của mình khiến cho người nghe cảm thấy tin tưởng hơn gấp nhiều lần nếu bạn tự nói điều đó. Ngoài ra còn có thể tận dụng những chi tiết bên trong để nâng cao độ tin cậy. Ví dụ: Một trường Đại học lớn có sảnh vinh danh những người nổi tiếng, thành đạt đã từng học tại trường sẽ tạo cho mọi người cảm giác yên tâm hơn vào chất lượng, đẳng cấp của trường.

 

5) Emotional (Gợi cảm xúc): Muốn truyền thông thành công, phải đánh trúng vào cảm xúc của con người. Nhớ lại thời kỳ trước, Việt Nam từng xôn xao về hiện tượng kẻ xấu dùng dao lam rạch mặt trẻ con. Chưa biết thực hư thế nào và có lẽ chỉ một vài người bị, nhưng cả xã hội ngập tràn tâm lý sợ hãi. Bố mẹ ra đường bắt con đeo khẩu trang và nai nịt thật kỹ càng. Những tin tức như vậy thường lan truyền rất nhanh bởi nó tạo ra cảm xúc, trong trường hợp này là cảm xúc sợ hãi.

 

6) Story (Câu chuyện): Mọi lời nói suông, mọi lý luận đều không tạo ra sự khắc sâu bằng một câu chuyện, điều đó càng đúng nếu câu chuyện đó hay và nhiều ý nghĩa. Đối với mỗi nhà truyền thông, kể chuyện nên trở thành một vũ khí thường trực. Ví dụ: Để dạy học sinh sự khác biệt giữa thiện và ác, người lớn thường đem chuyện Tấm Cám ra kể. Để nói về lòng yêu nước của tuổi trẻ, tích truyện Trần Quốc Toản bóp nát quả cam thường được nhắc tới. Mọi lời giảng của thầy cô sẽ bị quên đi ngay khi học sinh vừa bước ra khỏi lớp nhưng những mẩu chuyện như vậy thì sẽ theo chúng tới hết cuộc đời. Điều đó minh chứng cho vai trò tối quan trọng của kể chuyện trong việc ghi dấu ấn vào tâm trí con người.

 

Khá thú vị khi nếu bạn xếp các chứ cái đầu tiên của 6 thuộc tính trên theo thứ tự thì sẽ tạo ra từ SUCCESs. Một thông điểm muốn thành công phải đảm bảo có được càng nhiều càng tố những thuộc tính nêu trên.

 

Những dẫn chứng chưa “kết dính”

 

Cuốn sách Tạo ra thông điệp kết dính đã lý giải trọn vẹn nguyên nhân khiến những thông điệp thường “cuốn theo chiều gió” cũng như cho ta sáu công cụ để khắc phục tình trạng đó. Cuốn sách đã rất thành công trong cách đặt vấn đề cũng như đưa ra bộ khung tư duy nhắm giải quyết vấn đề đó. Không ai ngạc nhiên khi cuốn này liên tục xếp hạng cao trong danh sách những cuốn bán chạy nhất và hay nhất ở Mỹ.   

 

Tuy vậy, do đưa ra quá nhiều dẫn chứng và ví dụ để chứng minh cho quan điểm của mình, hai tác giả đã khiến người đọc nhiều lúc cảm thấy bối rối vì sự phức tạp của dẫn chứng. Đôi chỗ các dẫn chứng không đắt, trùng lặp, khó phân định.

 

Mượn chữ “kết dính” của một tác giả bestseller khác là Malcolm Gladwell để làm nền cho cuốn sách của mình, Chip Health và Dan Health đã thành công trong chủ đề đó. Thất bại nếu có là ở chỗ, nhược điểm của dẫn chứng như đã nói ở trên làm cho người đọc nhiều lúc đã không hề “kết dính” vào cuốn sách.

 

Khánh Duy

 

Nhìn lại một năm thị trường sách phi hư cấu

Tháng Tư 11, 2009

Nhìn lại thị trường sách phi hư cấu năm 2008

 

Đã từng có thời, nói đến sách người ta liên tưởng tới truyện, tới tiểu thuyết văn học. Nhưng giờ đây, sách phi hư cấu về đủ loại chủ đề từ chính trị, kinh tế, kinh doanh, lịch sử, triết học… đã khá quen thuộc. . Đặc biệt năm 2008, rất nhiều tác giả phi hư cấu tên tuổi thuộc cả hai dòng thương mại và hàn lâm của phương Tây đã được Việt dịch.

 

Sách kinh doanh: năm hội tụ của các tên tuổi lớn

 

Sách kinh doanh có lẽ là mảng nở rộ nhất sau hội nhập. Năm 2008, một loạt các tác giả sách kinh doanh tên tuổi xuất hiện ở Việt Nam.

 

Trước nhất phải kể tới Peter Drucker, nhà triết học về quản trị số 1 của thế giới. Hai tác phẩm quan trọng của ông là Effective Executive và The Essential Drucker đã được NXB Trẻ và PACE dịch ra tiếng Việt với tựa đề Nhà quản trị thành công và Tinh hoa quản trị của Drucker. Đây là hai cuốn quan trọng trong trước tác hàng chục tác phẩm của nhà tư tưởng quá cố.

 

Trong cuốn Nhà quản trị thành công, Drucker đã đưa ra những khái niệm đơn giản nhưng then chốt của quản trị cá nhân. Muốn quản trị người khác trước hết phải quản trị chính mình sao cho làm việc hiệu quả. Hiệu quả theo Drucker lại độc lập với sự thông minh, kiến thức hay chăm chỉ. Trong cuốn sách này, Drucker lý giải rất sáng sủa những nguyên tắc để một nhân viên tri thức có thể làm việc hiệu quả hơn.

 

Cuốn Tinh hoa quản trị của Drucker rộng hơn, là tập hợp những tư tưởng tinh hoa nhất của Drucker về quản trị ở cả ba cấp độ: cá nhân, tổ chức và xã hội. Những khái niệm quan yếu định hình nên tên tuổi của Drucker như: “kinh doanh là tạo ra khách hàng”, “quản trị định hướng hiệu quả”, “quản trị như một chức năng xã hội”… đều được tổng hợp lại trong cuốn sách này. Drucker cho thấy một tầm tư duy thấu suốt về những vấn đề liên quan đến quản trị mà cuốn sách này là một minh chứng điển hình.

 

Cùng với Drucker, tác giả sách quản trị kinh doanh bán chạy nhất thế giới là Jim Collins đã được giới thiệu ở Việt Nam qua hai cuốn sách siêu bestseller trên toàn thế giới là Good to Great (từ Tốt tới Vĩ Đại) và Built to Last (Xây Dựng để Trường Tồn). Cả hai cuốn này cũng do NXB Trẻ và PACE giới thiệu. Đáng mừng là cả hai cuốn đều bán khá chạy và được giới quản trị kinh doanh Việt Nam đón nhận nồng nhiệt.

 

Giá trị của hai cuốn sách nằm ở chỗ nhóm tác giả đứng đầu là Collins đã tổng hợp những nghiên cứu thực tiễn trên một số lượng lớn các doanh nghiệp. Các doanh nghiệp được nghiên cứu đều có thành công lâu dài và vượt trội trên tương quan so sánh với những doanh nghiệp cùng ngành nghề.

 

Văn phong của cả hai cuốn đều hết sức hàm súc, lý giải gãy gọn, rõ ràng, đôi chỗ cuốn hút đặc biệt. Chủ các doanh nghiệp “khoái” mấy cuốn này cũng dễ hiểu khi qua đặc điểm thành công của các công ty hàng đầu, họ có dịp tự soi lại doanh nghiệp mình. Nhiều khái niệm đưa ra trong hai cuốn này thực sự hữu ích trong việc xây dựng tư duy chiến lược và quản trị chuyên nghiệp.

 

Thế nhưng, cả hai cuốn đều bị khá nhiều lời chỉ trích từ giới học giả trên thế giới. Thực tế cũng cho thấy, nhiều công ty trường tồn và vĩ đại được Jim Collins coi như hình mẫu đã suy thoái sau khi sách xuất bản. Cuốn sách phê phán Jim Collins hay nhất là The Halo Effect (Hiệu ứng hào quang) có thể sẽ sớm xuất hiện ở Việt Nam trong năm nay.

 

Một cuốn sách kinh doanh quan trọng khác là Focus (Chuyên biệt) đã được Alphabooks dịch và xuất bản trong năm nay. Tác giả Al Ries không còn xa lạ với người đọc Việt Nam nhưng cuốn sách quan trọng bậc nhất này của ông mới lần đầu được dịch đầu đủ ở Việt Nam. Lập luận của Al Ries vẫn như vậy, gần gũi, trong sáng và rất dễ hiểu. Tác giả thuyết phục người đọc bởi sự giản đơn của lập luận chứ không phải bằng hình thức màu mè.

 

Vào cuối năm, sự xuất hiện rầm rộ của cha đẻ lý thuyết cạnh tranh Micheal Porter đến Việt Nam làm cho hai cuốn sách dày cộp của ông là Competive Advantage (Lợi thế cạnh tranh) và The Competive Advantage of Nations (Lợi thế cạnh tranh quốc gia) bán khá chạy. Lý thuyết cạnh tranh của Porter có vai trò nhất định trong xác lập chiến lược của doanh nghiệp và quốc gia.

 

Nhưng những lập luận của Porter đã và đang tiếp tục bị không ít những lời chỉ trích từ các nhà kinh tế và giới nghiên cứu quản trị kinh doanh. Lý thuyết “năm lực đẩy” nổi tiếng cũng như nhiều lý giải khác của ông tỏ ra phức tạp, bị phê phán là thiếu cơ sở thực tiễn, chỉ đúng với một số tình huống chọn lọc chứ không đại diện cho toàn thể. Hơi khó để tìm ra những ý tưởng đơn giản nhưng đột phá từ khung tư duy của Porter.

 

Ngoài ra, một số tên tuổi khác như John Maxwell (chuyên gia về thuật lãnh đạo), Richard Koch (tác giả nguyên lý 80/20), Zig Ziglar (chuyên gia bán hàng) đều được giới thiệu ồ ạt trong năm nay và tạo ra được sức lan tỏa nhất định. Thị trường sách kinh doanh có vẻ như đã có một năm sôi động nhất xét về cả số lượng lẫn chất lượng tác phẩm.

 

Sách kinh tế: tiền đề cho năm 2009

 

So với lĩnh vực sách kinh doanh thì sách kinh tế ảm đảm hơn. Cũng dễ hiểu khi người ta thích đọc những gì có thể ứng dụng trực tiếp được như kinh doanh hơn là những vấn đề kinh tế vĩ mô xa xôi.

 

Năm 2008, một gương mặt khá quen thuộc là nhà kinh tế học Joseph Stiglitz được giới thiệu với 2 cuốn sách nổi tiếng của ông là Making Globlization Work (Vận hành toàn cầu hóa) và Globlization and its Discontents (Toàn cầu hóa và những mặt trái). Cả hai cuốn đều là những đúc kết của nhà kinh tế đoạt giải Nobel 2001 từ quãng thời gian 3 năm (1997-2000) làm phó chủ tịch ngân hàng Thế giới. Cuốn thứ nhất tập trung vào phê phán những khuyết tật của thể chế toàn cầu hóa hiện nay, cuốn thứ hai đề ra những phương hướng, giải pháp để hệ thống hiện nay hoạt động công bằng và chất lượng hơn. Cả hai cuốn đều bán rấtchạy trên thế giới nhưng đã không còn mới mẻ xét về cả tư tưởng lẫn thời gian. Tuy xuất hiện muộn ở Việt Nam, nhưng cả hai cuốn này đều là những tư liệu tham khảo quan trọng cho những ai nghiên cứu lĩnh vực kinh tế ở cấp độ toàn cầu.  

 

Một cuốn sách khác cũng không còn mới (đã được xuất bản ở Mỹ vào giữa năm ngoái) nhưng mãi tới cuối năm nay mới được ra mắt ở Việt Nam là The Age of Turbulence (Kỷ nguyên hỗn loạn) của cựu chủ tịch FED Alan Greenspan. Cuốn này là một “di sản tri thức” trong suốt cuộc đời hoạt động thực tiễn và suy ngẫm về kinh tế học của Greenspan. Trong cuốn này, Greenspan khẳng định niềm tin gần như tuyệt đối vào lý thuyết thị trường tự do nhưng điều thú vị là cuốn sách vừa ra được một năm thì cuộc khủng hoảng tài chính ập về, thách thức những lý tưởng cả đời Greenspan đeo đuổi.

 

Cuốn sách kinh tế mới nhất và mang tính thời sự nhất trong năm vừa rồi là “Mô thức mới cho thị trường tài chính” của George Soros. Nghe danh Soros đã lâu nhưng lần này, người Việt mới được “gặp” ông trong một tác phẩm được Phương Nam Books dịch khá nhuần nhị. Đây lại là cuốn sách đầu tiên đề cập tới đề tài khủng hoảng tài chính đang hot nên được đón nhận rất nồng nhiệt. Cuốn này mô tả khá kỹ diễn trình và nguyên nhân của cuộc khủng hoảng hiện nay. Điểm đặc biệt là ở chỗ, Soros dù là nhà hoạt động thực tiễn nhưng lại tiếp cận tài chính từ góc độ “triết học”.

 

Một số tác giả được đã được giới thiệu từ năm ngoái nay lại có tác phẩm thứ hai tiếp tục được dịch và xuất bản ở Việt Nam. Điển hình là học giả đoạt giải Pulizer Daniel Yergin với tác phẩm The Commanding Heights (Những đỉnh cao chỉ huy). Năm nay, tác phẩm The Prize (Dầu mỏ – Tiền bạc và Quyền lực) của nhà lịch sử kinh tế này được Alphabooks giới thiệu. Cuốn sách “dày như cục gạch” này vẽ lại lịch sử kinh tế chính trị thế giới từ góc nhìn dầu mỏ. Ngập tràn những tình tiết và nhân vật như kiểu Tam Quốc Diễn Nghĩa, Yergin dẫn dắt người đọc vào một mê hồn trận của những cuộc xung đột bất tận giữa các thế lực tranh nhau nguồn tài nguyên dầu khí.

 

Một tác giả khác là John Perkins với tác phẩm gây tiếng vang Lời thú tội của một sát thủ kinh tế. Lần này, Perkins trở lại với cuốn Secret history of American Empire (Lịch sử bí mật đế chế Hoa Kỳ). Tựa sách thì khác nhưng luận điệu của sát thủ kinh tế “tự phong” John Perkins thì vẫn vậy: chống tập đoàn trị và toàn cầu hóa. Cuốn sách mang nhiều màu sắc kinh tế chính trị “vỉa hè” này nổi bật nhưng không có nhiều giá trị khách quan hay học thuật.

 

Cuộc khủng hoảng tài chính ở Mỹ vấn đang gây ảnh hưởng mạnh tới Việt Nam. Số lượng người quan tâm tới kinh tế tài chính sẽ tăng mạnh trong năm 2009. Vì vậy, có thể dự đoán số lượng sách kinh tế năm 2009 sẽ tăng. Đặc biệt những tác giả nổi danh có sách viết về cuộc khủng hoảng hiện nay như Nobel Kinh tế 2008 Paul Krugman chắc chắn sẽ sớm xuất hiện.

 

Sách chính trị: Điểm sáng Obama

 

Việc Obama được bầu làm tổng thống da đen đầu tiên trong lịch sử Hoa Kỳ là sự kiện chính trị quan trọng bậc nhất. Giới làm sách Việt Nam đã theo kịp mạch thời sự với việc tung ra một số cuốn sách do Obama viết.

 

Nổi bật nhất là cuốn Audacity of Hope (Hi vọng táo bạo) của NXB Trẻ. Cuốn này được Obama viết khi còn là thượng nghĩ sỹ. Với bút pháp khá tao nhã và thấu suốt, tác giả đã phê phán nền chính trị đầy chia rẽ của nước Mỹ hiện đại. Bằng những từ ngữ đầy mỉa mai và tinh thần phản biện, Obama  gây bất ngờ khi chỉ trích chính nền chính trị mà ông đang tham gia với tư cách một thượng nghị sỹ. Obama nói cuốn sách sẽ làm thất vọng nhiều người nhưng có lẽ sau cuốn này, nhiều người lại có cảm tình hơn với ông bởi óc phê phán, sự khách quan và những nỗ lực chân thành.

 

Một cuốn khác cũng do Obama viết là Dream from my father (Những giấc mơ từ cha tôi). Tuy nhiên, cuốn này được chuyển ngữ tồi tệ tới mức “đọc không hiểu gì”.

 

2008 là một năm kinh tế chứa đầy những biến động khó lường. Đầu năm lạm phát, cuối năm suy thoái, những đơn vị xuất bản sách gặp nhiều khó khăn do giá đầu vào tăng cao và sức cầu yếu đi. Thế nhưng, sách vẫn ra đều đều và cuộc chiến cạnh tranh để mua bản quyền những cuốn non-fiction bán chạy ngày càng quyết liệt.

 

Lĩnh vực xuất bản sách thực sự đã có những bước tiến lớn trong hai năm trở lại đây. Chỉ tiếc là, văn hóa đọc có vẻ như chưa tiến kịp theo bước tiến ấy.

 

Khánh Duy

Chính trị Hoa Kỳ dưới góc nhìn Obama

Tháng Tư 11, 2009

Chính trị Hoa Kỳ dưới góc nhìn Obama

 

“Trông anh cũng đàng hoàng. Sao anh lại muốn nhảy vào một lĩnh vực bẩn thỉu và hiểm ác như chính trị.” Nhiều người đã hỏi Obama câu đó khi ông mới chỉ tranh cử ghế Thượng nghị sỹ Mỹ. Trong cuốn sách nổi tiếng “Hy vọng táo bạo” của mình, bằng thứ ngôn ngữ phản biện mạnh mẽ, Obama đã làm cho nhiều người bất ngờ khi đề cập đến nền chính trị Hoa Kỳ.

 

Hoa Kỳ là mô hình dân chủ tự do điển hình, nhiều quốc gia soi chiếu vào mô hình đó để đi tìm lý tưởng chính trị cho mình. Lý tưởng chính trị “tự do ngôn luận”, “tam quyền phân lập”, “kiểm soát và cân bằng”… của các nhà lập quốc Hoa Kỳ được coi như khuôn mẫu về dân chủ, đúc kết từ tinh hoa tư tưởng của những trí tuệ lớn từ thời cổ đại tới thời Khai sáng.

 

Obama, một chính trị gia Mỹ tốt nghiệp Havard, đương nhiên thấu hiểu sâu sắc lý tưởng chính trị đó. Nhưng trong cuốn sách “Hy vọng táo bạo” của mình, vị tổng thống mới được bầu đã đưa ra một góc nhìn về thực tế chính trị đang diễn ra ở Mỹ so với những những lý tưởng chính trị của các nhà lập quốc năm xưa.

 

Nghề chính trị

 

Chính trị ở Mỹ có thể coi là một nghề và đó không phải là cái nghề đầy quyền uy và hào nhoáng như người ta tưởng. Obama bằng trải nghiệp trực tiếp của bản thân đã mô tả cái nghề chính trị đó hiện nay bằng những từ ngữ đầy mỉa mai: “Chính trị là nghề kinh doanh chứ không phải sứ mạng, những thứ được gọi là tranh luận thực chất cũng chỉ hơn biểu diễn một chút.”

 

Chính trị gia không thể thắng cử nếu không vận động để được biết tới, giống như doanh nghiệp không thể bán được hàng nếu không quảng cáo vậy. Nhưng để tổ chức vận động thì anh phải có tiền, nếu giàu rồi thì anh tự bỏ tiền túi ra mà tranh cử, còn nếu không thì phải “đi xin người giàu” như Obama đã làm từ khi còn tranh cử ghế thượng nghĩ sỹ.

 

Đã đi “ăn xin” thì đương nhiên phải chấp nhận những lời chối từ, những người tham vọng trở thành chính trị gia phải chấp nhận dẹp qua cái sỹ diện của mình sang một bên. Obama đã vô cùng khó khăn khi phải làm điều đó. Ông kết luận rằng để vượt qua tất cả và trở thành thượng nghị sỹ Hoa Kỳ, một chính trị gia “đòi hỏi phải có chứng hoang tưởng tự đại nhất định” và chiến dịch tranh cử thì “khi điêu tàn, khi huy hoàng nhưng lúc nào cũng lố bịch.”

 

Phải có tiền hoặc đi xin tiền để thắng cử, đương nhiên, dù ít hay nhiều, trực tiếp hay gián tiếp, nền chính trị cũng bị chi phối bởi đồng tiền. Thế cho nên, không ít những người cực đoan nói về những chính trị gia Mỹ như sau: “chúng đều là những con rối của các nhóm đặc quyền”, những “con buôn chính trị”.

 

Obama đã nỗ lực để không bị ảnh hưởng và chi phối bởi các nhóm lợi ích giàu có tài trợ cho hoạt động tranh cử của mình. Nhưng ông khá chân thành khi thừa nhận: “Hậu quả của hoạt động gây quỹ là tôi ngày càng giống những nhà tài trợ giàu có tôi gặp, nghĩa là dành nhiều thời gian cho thế giới đứng trên sự tranh chấp, bên ngoài sự đói khổ, thất vọng, sợ hãi, phi lý và khó khăn của 99% dân số, bạn di chuyển theo quỹ đạo khác với những người mà bạn đại diện. Khó khăn của người bình thường, tiếng nói từ những thị trấn thất nghiệp hay những khu trung tâm đang suy thoái chỉ còn là những tiếng vọng xa xôi.”

 

Nỗi lo sợ thất bại, ham muốn vươn tới “địa vị và quyền lực” đã khiến các chính trị gia đôi khi “đứng giữa vách đá cheo leo”, phải cân bằng giữa nhóm lợi ích và số đông quần chúng. Vì thế, không ít lần, họ trở thành những “chính trị gia hai mặt”, “vận động một kiểu, khi trúng của làm kiểu khác.” Và, quá trình lập pháp trở thành sản phẩm của “hàng trăm thỏa hiệp lớn nhỏ”.

 

Nền dân chủ lệch lạc và chia rẽ

 

Chính trị Hoa Kỳ, theo Obama, đang đứng trước: “sự chia rẽ lớn nhất kể từ sau Thế chiến hai”. Nền chính trị với hai đảng đối lập nhau là Dân chủ và Cộng hoà có nhiều ưu việt nhưng dường như đang trôi về những thái cực cực đoan nhất của nó. “Mọi vấn đề dù lớn hay nhỏ, đối nội hay đối ngoại, tất thẩy đều được quy thành phải lựa chọn quan điểm bên này hay bên kia, phản đối hay ủng hộ, rất ngắn gọn.”

 

Mô hình hai đảng cạnh tranh với nhau biến thái thành “công kích”,  “lăng mạ” lẫn nhau. Không bên nào công nhận tính đúng đắn của bên kia cho dù trong thâm tâm họ nghĩ rằng bên kia cũng có một phần đúng. Kết quả là chính trị gia tự nhiên phải đi theo chủ nghĩa bảo thủ cực đoan hoặc chủ nghĩa tự do ngang bướng. “Chính trị như một cuộc đấu, không chỉ là giữa các quan điểm chính trị mà là giữa thiện và ác, hoặc anh ủng hộ hoặc anh chống đối, anh phải chọn một trong hai phía.”

 

Obama mô tả nền chính trị bằng một cụm từ rất hay là “loại sản phẩm đóng gói”. Mọi quan điểm từ thuế má tới nạo phá thai đều đã được hai Đảng “đóng gói” lại, khi cần tranh luận với Đảng kia thì chúng sẽ được “lôi ra khỏi giá”. Theo Obama, “các suy nghĩ giáo điều và tính đảng phái cứng nhắc đã khiến người Mỹ quay lưng lại với chính trị”, “đa phần mọi người giờ đây đều xem chính trị như một trò tiêu khiển, một môn thể thao trong đó các chính trị gia là các đấu sỹ bụng phệ, còn những người đang duy trì mối quan tâm tới họ là các cổ động viên mỗi bên.”

 

 Nền dân chủ bị chia rẽ và lệch lạc như vậy đã khiến tất cả trở thành “màn kịch chính trị”. Cho dù đóng một vai trong “màn kịch” đó, nhưng nhiều trường hợp, Obama lại phê phán nó bằng những từ ngữ nặng nề như thể người ngoài cuộc: “Những ngôn từ bay bổng được sử dụng cho những mục đích phi đạo lý, những cảm xúc cao quý nhất có thể bị phá hoại vì quyền lực, thủ đoạn, sự tham lam và thiếu khoan dung. Những lợi ích hẹp hòi cạnh tranh đề giành ưu thế, những nhóm tư tưởng thiểu số cố gắng áp đặt suy nghĩ của họ về chân lý tuyệt đối.”

 

Mặt trái của tự do ngôn luận

 

Không chỉ nền chính trị trở nên cực đoan thái quá mà báo chí cũng cực đoan như vậy. Truyền thông là sân khấu để giới chính trị biểu diễn quan điểm và công kích lẫn nhau, mọi quan điểm đều được phóng đại trên truyền hình và mạng để tạo thành một “nền chính trị thô lỗ” theo lời Obama. 

 

Trong quá trình tranh cử, các chính trị gia dùng hàng triệu đô la để tạo ra những “cơn bão quảng cáo đả kích”. Những chuyện vợ con, tình ái của đối thủ cũng được lôi lên báo chí để triệt hạ lẫn nhau. “Họ nói với nhau về những lời lăng mạ, buộc tội, những chuyện tầm phào và cạnh khoé suốt 24h một ngày, bẩy ngày một tuần.” Obama cho rằng những công kích thiếu lịch thiệp và xây dựng như vậy chỉ tạo ra “sự giận dữ, ngờ vực và bào mòn nghị lực” của chính trị gia và “xói mòn khả năng đánh giá sự thật” của quần chúng.

 

Mọi lời nói của cá nhân Obama và các chính trị gia khác đều bị săm soi và trích dẫn vô lối trên blog cá nhân, báo chí để bới móc và tạo ra mâu thuẫn. Tự do ngôn luận để khuyến khích nói thật nhưng đôi khi lại phản tác dụng, khi người ta biết rằng nếu nói thật sẽ rơi vào tâm bão chỉ trích. Obama kết luận khá bi quan: “Chính trị gia ngày nay hiểu điều đó. Ông ta có thể không nói dối, nhưng ông biết không có gì tốt đẹp dành cho những người nói thật.”

 

Tìm lại nền chính trị đồng thuận

 

Dường như, có một khoảng cách giữa nền dân chủ lý tưởng trên lý thuyết với thực tế chính trị hiện tại. Thậm chí, những nguyên tắc tạo nền móng vững chắc cho nền dân chủ Mỹ từ thời khai quốc dường như đang phải đối mặt với thách thức, khi những biến thái cực đoan của nó tạo ra sự lệch lạc trong hệ thống chính trị.

 

Obama kêu gọi một nền chính trị khác, một nền dân chủ đồng thuận với những giá trị gốc rễ từ năm 1776, “một nền chính trị chín chắn, cân bằng giữa lý tưởng và thực tế, để phân biệt được vấn đề gì có thể thoả hiệp được và vấn đề gì không thể, để thừa nhận rằng đôi khi phe đối lập cũng đúng”, một nền chính trị biết “sự khác biệt giữa tín điều và lẽ phải, giữa có trách nhiệm và vô trách nhiệm, giữa những điều sẽ tồn tại mãi mãi và những thứ chỉ lướt qua…”

 

“Bình thản và thấu suốt”, Obama với tư cách một thượng nghĩ sỹ đã phân tích những mặt trái của nền chính trị mà ông đang phục vụ. Giữa thời đại hỗn loạn của những giá trị bị thách thức này, những tiếng nói phản kháng đã được lắng nghe và đó có thể là một nguyên nhân khiến Obama được bầu làm tổng thống da đen đầu tiên của nước Mỹ.

 

Nhưng từ những lời hô hào thay đổi tới hành động để  thay đổi nền chính trị là một hành trình rất dài và khó khăn với Obama, chính Obama cũng phân vân: “Có thể chính trị đã bị tầm thường hóa tới mức không thể trở lại được như cũ…”

 

Người dân Mỹ và thế giới vấn đang chờ đợi hành trình tìm lại Giấc mơ Mỹ của Obama với “hi vọng táo bạo” như tên cuốn sách mà ông đã viết.

 

Khánh Duy

 

 

 

Những niềm tin bị lung lạc của Alan Greenspan

Tháng Tư 11, 2009

Những niềm tin bị lung lạc của Alan Greenspan

 

Trong một cuộc điều trần gần đây trước Thương viện Mỹ về trách nhiệm của mình trước cuộc khủng hoảng tài chính hiện nay, cựu chủ tịch Cục dự trữ liên bang Mỹ FED Alan Greenspan đã nói rằng ông “bị sốc vì mất niềm tin”. Greenspan đã tin vào điều gì để đến nỗi cuộc khủng hoảng hiện nay khiến  niềm tin ấy lung lạc tới mức làm ông sốc? Câu trả lời có trong cuốn hồi ký “Kỷ nguyên hỗn loạn” của ông.

 

Cuốn hồi ký của Greenspan được chia làm 2 phần khá rõ rệt. Phần thứ nhất như một tự truyện, kể lại sự nghiệp của Greenspan trong đó quan trọng nhất là 18 năm trên ghế chủ tịch FED (1987-2006). Phần thứ hai là những quan niệm và đánh giá của ông về các vấn đề kinh tế chính trị nói chung ở nước Mỹ và thế giới.

 

Cuốn sách được Alan Greenspan viết sau khi rời nhiệm sở vào năm 2006 và xuất bản vào giữa năm 2007 ở Mỹ. Đó là thời điểm trước cuộc khủng hoảng tài chính nên đương nhiên toàn bộ cuốn sách không đả động gì đến cuộc khủng hoảng hiện nay. Cũng mãi tới những ngày cuối của năm 2008, bản dịch tiếng Việt mới xuất hiện ở Việt Nam. Nhưng không vì những lý do trên mà cuộc hồi ký mất đi tính thời sự của nó mà ngược lại, cuộc khủng hoảng lại khiến người đọc tò mò muốn nhìn lại di sản cũng như thế giới quan kinh tế của Greenspan, một thế giới quan mà không ít nhà phân tích cho là đã góp phần tạo ra cuộc khủng hoảng trầm trọng hiện nay.

 

Tín đồ của Adam Smith

 

Các thị trường dường như thích nghi tốt trong hàng giờ, hàng ngày như thể được điểu chỉnh bởi “bàn tay vô hình quốc tế”.  

 

Rất nhiều lần trong cuốn sách, Greenspan nhắc tới “sư phụ” Adam Smith và bàn tay vô hình. Có thể coi Greenspan là môn đồ hay chính xác hơn là tín đồ của giáo phái thị trường tự do mà ông tổ là Adam Smith.

 

Mặc dù 19 năm ở vị trí điều tiết nền kinh tế bằng các công cụ tiền tệ, nhưng Greenspan không tin nhiều vào sự can thiệp của luật lệ, của nhà nước dưới nhiều hình thức. Ông khẳng định: “Bản chất của luật lệ là làm giảm tự do của thị trường, loại bỏ tự do chính là đặt toàn bộ quá trình cân bằng thị trường vào rủi ro”“không thấy bất kỳ lý do nào biện minh cho việc tăng vai trò của nhà nước.”

 

Thị trường tự do đã trở thành tín điều ăn sâu vào Greenspan và tạo ra khung tư duy của ông trong quá trình hoạch định chính sách. Trong quá khứ, chính Greenspan đã phản đối lời kêu gọi thắt chặt các luật lệ nhằm kiểm soát thị trường cho vay thế chấp dưới chuẩn,  nguyên nhân trực tiếp dẫn tới sự đổ vỡ hàng loạt vừa qua.

 

Việc FED giảm lãi suất liên tục xuống mức thấp kỷ lục từ năm 2001 tới giữa năm 2004 đã tạo điều kiện hình thành bong bóng bất động sản khổng lồ. Nhiều nhà kinh tế đã cảnh báo nhưng Greenspan thời đó đã gạt đi những quan ngại như vậy. Trong cuốn sách, Greenspan khẳng định: “Tôi sẽ nói với các độc giả rằng chúng ta không phải đối mặt với một chiếc bong bóng khổng lồ mà chỉ là những bọt nhỏ, vô vàn những chiếc bong bóng bé xíu ở cấp độ địa phương và không bao giờ phồng to tới mức đe dọa thể trạng chung của nền kinh tế.” Sự thật là Greenspan đã sai, bong bóng đã phình đại và nổ tan tành chứ không phải chỉ là “những bọt nhỏ”.

 

Khi đề cập đến nguy cơ từ công cụ tài chính mới CDS (trao đổi nợ tín dụng), công cụ giúp chuyển rủi ro tín dụng cho một bên thứ ba, Greenspan viết “Không một tổ chức cho vay lớn nào vì thế mà bị khó khăn. Họ có dư khả năng chịu được cú đấm. Sự vỡ nợ hàng loạt của thời kỳ trước đã không tái diễn.” Thực tế sau đó đã diễn ra ngược lại, các tổ chức cho vay lớn phá sản hàng loạt, những công cụ kiểu CDS như chất xúc tác khiến quá trình đổ vỡ lan rộng tới mức không kiểm soát nổi.

 

Với Greenspan, tư tưởng thị trường tự do đã trở thành một ý thức hệ. Khi được hỏi trước thượng viện rằng có phải ý thức hệ đó đã đẩy ông tới những quyết định chính sách sai lầm mà giờ nếu có thể ông muốn thay đổi, Greenspan đã phải thừa nhận rằng:

 

 “Vâng, tôi đã thấy những sai lầm. Tôi rất buồn vì thực tế đó.”

 

Phá hủy không.. sáng tạo

 

Ngoài Adam Smith, Alan Greenspan còn bị ảnh hưởng bởi hai “sư phụ” khác là nhà kinh tế học Joseph Schumpeter và nhà triết học John Locke.

 

Schumpeter nổi tiếng với quan điểm “sự phá hủy mang tính sáng tạo”. Quan điểm này cho rằng trong một thị trường tự do, áp lực cạnh tranh khiến các doanh nghiệp phải liên tục thay đổi công nghệ, sản phẩm… Những cái lỗi thời liên tục bị phá hủy nhưng đó là sự phá hủy mang tính sáng tạo, sự phá hủy mang tới sự tiến bộ chứ không phải hủy diệt. Tính ưu việt của thị trường tự do cạnh tranh là bởi những sự phá hủy mang tính sáng tạo như vậy.

 

Cuộc khủng hoảng hiện nay quả thật đã phá hủy nhưng không thấy sáng tạo đâu. Đổ vỡ thì nhiều thậm chí quá nhiều nhưng không có sáng tạo nào nảy sinh ra cả. Tính ưu việt của thị trường cạnh tranh đã bị thách thức nghiêm trọng trước những tan vỡ dây chuyền ở phố Wall.

 

Greenspan cũng rất mến mộ John Locke, một triết gia người Anh ở thế kỷ 17. Nhà triết học này đã đóng góp cho kỷ nguyên Ánh sáng bằng cách khơi dậy một loạt những nguyên tắc tự do, đặc biệt là tự do sở hữu. Ông này đã viết rằng: con người từ trong bản chất có một sức mạnh để đảm bảo “quyền sống, quyền tự do và tài sản, chống lại bất kỳ một hành vi xâm phạm hay âm mưu xâm phạm nào của người khác.”

 

Khá vui là trong cuốn sách này, Greenspan dùng tư tưởng thượng tôn sở hữu của John Lock để biện minh cho việc nới rộng các điều kiện cho vay mua nhà của Mỹ. Greenspan viết: “Tôi hiểu rằng nới rộng điều kiện cầm cố tín dụng cho những người vay thứ cấp sẽ làm tăng rủi ro tài chính, sáng kiến sở hữu nhà kiểu bao cấp như vậy đang bóp méo hoạt động và kết quả thị trường. Nhưng tôi tin tưởng rằng lợi ích của việc mở rộng quyền sở hữu nhà là đáng để mạo hiểm. Bảo vệ quyền sở hữu là nhân tố cực kỳ quan trọng của kinh tế thị trường, đòi hỏi thật nhiều người có quyền sở hữu đó để duy trì sự hậu thuẫn chính trị.”

 

Sự thật là năm 2006, gần 69% các gia đình Mỹ sở hữu nhà riêng, so với mức 64% năm 1994 và 44% năm 1940. Nhiều người có nhà hơn thật nhưng điều đó chẳng có ý nghĩa nhiều khi nhà cửa được mua bằng những khoản vay dưới chuẩn. Bong bóng nhà cửa bùng vỡ tan nát đã làm lộ rõ tính bất hợp lý trong những lập luận trên của Greenspan.

 

Bất định và hỗn loạn

 

“Vai trò của FED là cất bình rượu punch đi ngay khi bữa tiệc bắt đầu sôi động.”

 

Người ta thường nói như vậy về vai trò của FED. Bất kỳ khi nền kinh tế có dấu hiệu tăng trưởng nóng, Greenspan phải sử dụng ngay tới “thanh bảo kiếm” của mình là lãi suất để triệt giảm nguy cơ tăng giá. Nhưng lần này thì có vẻ như bữa tiệc đã sôi động quá mà bình rượu punch vẫn chưa được cất đi.

 

Vậy nên, gần đây, Greenspan đã không thoái thác mà thừa nhận rằng ông đã “sai một phần”. Dành cả cuộc đời để nghiên cứu và suy ngẫm về kinh tế học, nhưng đến thời điểm này, nhà kinh tế học lỗi lạc bỗng cay đắng phát biểu: “Trụ cột quan trọng của cạnh tranh và thị trường tự do đã đổ vỡ. Tôi cũng chưa hiểu rõ toàn bộ sự việc xảy ra như thế nào.” “Cơn sóng thần thế kỷ”, cách gọi của Greenspan về cuộc khủng hoảng hiện nay, là “quá sức tưởng tượng của ông.”

 

Greenspan đặt tên cuốn sách của mình là “Kỷ nguyên hỗn loạn”. Kỷ nguyên ông đã trải qua thực sự là một giai đoạn kinh tế thăng trầm với không ít những lần khủng hoảng và suy thoái. Nhưng tiếc là, Greenspan đã “rửa tay gác kiếm” trước khi giai đoạn hỗn loạn nhất trong cái kỷ nguyên hỗn loạn ấy bắt đầu.

 

Nếu như Greenspan tại nhiệm thêm 2 năm nữa, thì cuốn sách có thể đã được viết rất khác đi, có thể sẽ không còn những lập luận chắc nịch về lý tưởng thị trường tự do cạnh tranh như Greenspan đã viết. Dẫu sao, cuốn sách đồ sộ này vẫn cho thấy, Greenspan là một nhà hoạt động thực tiễn dày dặn kinh nghiệm và là một trí tuệ lớn trong thời đại “hỗn loạn” của ông.

 

 

Sát thủ kinh tế kể tội đế chế Hoa Kỳ

Tháng Tư 11, 2009

Lịch sử bí mật đế chế Hoa Kỳ

 

Sau cuốn sách gây chấn động “Lời thú tội của một sát thủ kinh tế”, John Perkins trở lại với một cuốn sách mới “Lịch sử bí mật đế chế Hoa Kỳ”. Tựa sách dễ làm những người chưa từng đọc Perkins nhầm tưởng đó là một cuốn sách lịch sử chính trị khô khan, nhưng ngược lại, Perkins vẫn viết theo cách của ông: một dạng tự truyện chính trị kinh tế mang nhiều màu sắc bí ẩn của tiểu thuyết trinh thám…

 

“Chính trị vỉa hè”

 

“Có tin đồn rằng George W. Bush đã bị quay lén khi đang sử dụng cocain và có hành vi quan hệ tình dục bất chính trong thời gian cha anh ta làm tổng thống.”

 

Thế rồi, nhà lãnh đạo Panama lúc đó là Noriega đã “sử dụng những bức ảnh đồi truỵ của Bush con và người tình để thuyết phục Bush cha (khi đó đang là tổng thống) đứng về phía chính quyền Panama trong những vấn đề chủ chốt. Để trả đũa, Mỹ mang quân xâm lược Panama và đẩy Noriega vào nhà tù Miami.”

 

Sự kiện Mỹ tấn công Panama năm 1989 được giải thích như vậy trong “Lịch sử bí mật đế chế Hoa Kỳ.” Không ai ngạc nhiên khi sách của John Perkins bán chạy. Ông biết cách viết, biết cách thắt nút và mở nút, biết đưa vào trong câu chuyện những tình tiết “vỉa hè” để một cuốn sách chính trị trở nên sống động, hấp dẫn.

 

Nếu như “Lời thú tội của một sát thủ kinh tế” (viết tắt là Lời thú tội) được viết như một tự truyện theo mạch thời gian tuyến tính, “Lịch sử bí mật đế chế Hoa Kỳ” (viết tắt là Bí sử) là một kiểu tự truyện được viết theo mạch không gian phi tuyến tính.

 

Cuốn sách đầu tiên của Perkins kể lại tuần tự cuộc đời “sát thủ kinh tế” của ông, từ khi “bán linh hồn cho quỷ” để gia nhập đội ngũ “sát thủ kinh tế” đến khi ngộ ra “tội lỗi”. Cuốn sách thứ hai này chỉ như những ghi chép có ý thức của Perkins khi đi qua rất nhiều quốc gia và lục địa khác nhau. Từ Châu Á, Châu Mỹ Latinh rồi tới Châu Phi, đi đến đâu, Perkins cũng viết ra những trải nghiệm của mình và những người khác. trong quá trình nhận ra bản chất thật sự của “đế chế Hoa Kỳ”.

 

Có khác nhau về cách kể chuyện, nhưng ý tưởng và thông điệp thì vẫn thế. Có thể coi “Lịch sử bí mật đế chế Hoa Kỳ” là phần tiếp theo của “bản tuyên ngôn” chống đế chế Mỹ nói riêng và toàn cầu hóa nói chung.

 

Những con bò cái bị vắt sữa

 

“Con bò cái mà chúng ta có thể vắt sữa cho tới khi về hưu”

 

Trong Lời thú tội, phó chủ tịch MAIN, một công ty tư vấn của Mỹ, đã nói như vậy khi nhắc tới Ảrập Xêút. Mà không chỉ đất nước này, toàn bộ các quốc gia đang phát trển theo Perkins đều là những con bò cái để nước Mỹ và tập đoàn đa quốc gia của họ “vắt sữa”.

 

Hai cuốn sách của Perkins đều tập trung mô tả những âm mưu, quá trình và thủ đoạn “vắt sữa” của đế chế Mỹ. Âm mưu được thực hiện theo một tiến trình tuần tự với nhiều thủ đoạn. Núp dưới danh nghĩa xóa đói giảm nghèo, tập đoàn trị Mỹ (một liên minh giữa chính phủ, các ngân hàng và tập đoàn lớn) tìm mọi cách “viện trợ”, “cho vay” để giúp các nước nghèo phát triển.

 

Qua những công ty tư vấn như MAIN (công ty mà Perkins từng làm việc), các sát thủ kinh tế “vẽ” ra những kế hoạch phát triển cơ sở hạ tầng… cho các nước nghèo và hào phóng cho họ vay tiền để thực hiện những kế hoạch đó. Thực chất, các kế hoạch đã được sát thủ kinh tế “thổi phồng” và “phóng đại” hơn nhiều so với thực chất. Mục tiêu là để các nước khác phải vay thật nhiều và ngập trong nợ nần. Cho tới khi đó, nước Mỹ sẽ nắm quyền kiểm soát, ép các quốc gia đó phải trả nợ bằng nguồn tài nguyên khoáng sản và dầu mỏ của họ.

 

Tài nguyên bị vắt kiệt để trả nợ chứ không phải đầu tư cho an sinh xã hội, giáo dục, y tế đã đẩy dân nghèo ở các nước đang phát triển vào tình trạng bần cũng hóa. Đó là “cái nôi” nuôi dưỡng những kẻ khủng bố nước Mỹ mà sự kiện 11/9 là một ví dụ. Môi trường bị huỷ hoại nghiêm trọng bởi các tập đoàn tranh nhau khai thác vô tội vạ tài nguyên, khiến trái đất đứng trước những hiểm hoạ khôn lường.

 

Cuộc thập tự chinh mới của một đế quốc mới

 

Theo Perkins thì những định chế như Ngân hàng thế giới (WB), Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) chỉ là những con bài để nước Mỹ sử dụng nhằm ép các nước nghèo đi theo quỹ đạo của họ. Đó là một cuộc Thập tự chinh mới, không phải bằng quân sự mà bằng kinh tế, không phải bằng những chiến binh giáo mác trên tay mà bằng những sát thủ kinh tế với các bản báo cáo giả tạo được “vẽ vời” cho ra vẻ khoa học. Mục tiêu là mở rộng đế chế Mỹ trên phạm vi toàn cầu để phục vụ cho lợi ích của một thiểu số những quan chức cấp cao và chủ những tập đoàn lớn.

 

Nhưng theo Perkins, thủ đoạn của đế chế Mỹ còn kinh khủng hơn thế. Khi những quốc gia đang phát triển bất tuân theo sự điều khiển của Mỹ, “lũ chó săn bắt đầu sử dụng đến những chiếc gậy bóng chầy và cuối cùng là súng.” Những nhà lãnh đạo theo chủ nghĩa dân tộc chống lại sự “bóc lột” của tập đoàn Mỹ sẽ bị mua chuộc bởi các sát thủ kinh tế. Nếu các sát thủ kinh tế thất bại, những sát thủ thật sự của CIA sẽ vào cuộc. Cái chết của tổng thống Ecuador Jaime Roldos, tổng thống Panama Omar Torrijos và hàng loạt cái tên khác Arbenz, Mossadegh, Allende… đều có bàn tay vấy máu của CIA.

 

Gần đây nhất là cuộc chiến tranh Iraq để lật đổ nhà độc tài chống Mỹ Saddam Hussein dưới chiêu bài “chống khủng bố”. Theo Perkins, thực chất của tất cả những mỹ từ như “dân chủ”, “nhân quyền”, “chống khủng bố” chỉ là lớp áo che đậy cho âm mưu thật sự của Mỹ nhằm tước đoạt nguồn dầu mỏ, khoáng sản và khuynh loát thị trường của những quốc gia nghèo.

 

Trong Bí sử, Perkins đã định nghĩa “đế quốc” là một dân tộc thống trị dân tộc khác với 7 đặc điểm cơ bản và theo đó thì nước Mỹ hiện nay có cả bảy đặc điểm của một “đế quốc”. Tưởng như thời đại của chủ nghĩa đế quốc đã qua rồi nhưng thực chất, một hệ thống đế quốc mới đang được dựng nên, tinh vi và hiệu quả nhất mà thế giới từng thấy.

 

Tấn công vào “trái tim nhỏ máu của vua chúa”

 

Hai cuốn sách của Perkins như những bản cáo trạng đanh thép chống lại đế chế Mỹ mà đứng đằng sau nó là những tập đoàn lớn. Đọc Perkins để thấu hiểu những lý lẽ của phe chống toàn cầu hóa, thấu hiểu tại sao nhiều người dân ở Châu Mỹ Latinh và các quốc gia Trung Đông lại căm ghét nước Mỹ đến như vậy.

 

Perkins khiến người đọc phải nhìn lại tất cả những quan niệm cũ về ODA, FDI, WB, IMF… Tất cả những khoản vay “ưu đãi” được sử dụng để xây dựng cơ sở hạ tầng lại trở về túi chính những công ty trúng thầu là các tập đoàn của các nước cho vay. Cuối cùng, chỉ có các nước nghèo lâm vào cảnh nợ nần bởi những khoản vay khổng lồ dùng để tài trợ cho những dự án “bánh vẽ”.

 

Tuy nhiên, nhìn đi cũng phải nhìn lại. Perkins có lẽ đã đi quá đà khi sử dụng thứ ngôn ngữ nặng nề nhất để chỉ trích không tiếc lời đế chế Mỹ, các tập đoàn Mỹ và tiến trình toàn cầu hóa. Không thấy có đoạn nào ông nhắc tới những giá trị mà nó đã tạo ra. Không thấy Perkins nói về những lợi ích to lớn của toàn cầu hóa, những đóng góp vĩ đại của các tập đoàn trong đổi mới công nghệ, sáng tạo sản phẩm, cải tiến mẫu mã, giảm giá thành…

 

Tất cả tội lỗi từ sự huỷ hoại của môi trường tới sự nghèo khổ của người dân các nước đang phát triển đều bị đổ vấy lên đầu các tập đoàn lớn, các nước giàu. Đọc Perkins dễ làm nhiều người bị kích động đi theo một quan điểm nguy hiểm: nghèo đói là vinh quang, giàu sang là tội lỗi, người nghèo vẫn cứ nghèo bởi bọn nhà giàu ăn cướp của họ. Lịch sử những cuộc cải cách ruộng đất, cách mạng văn hóa, quốc hữu hóa công nghiệp ở nhiều quốc gia đã chứng minh rằng quan điểm đó chỉ dẫn tới thảm họa.

 

May thay, phần kết của “Lịch sử bí mật đế chế Hoa Kỳ” đã mở ra một bầu trời tươi sáng hơn. Perkins đề xuất ra những biện pháp đấu tranh để “thay đổi chính bản thân các tập đoàn”, khiến những tập đoàn lớn phải thực hiện những chính sách vì con người, vì môi trường và vì cộng đồng nhiều hơn.

 

Mỗi người phải có ý thức trong hành xử và tiêu dùng, phải ảnh hưởng tới những người khác, thuyết phục tập đoàn trị thay đổi chính sách của họ để biến “chủ nghĩa tư bản đế quốc thành chủ nghĩa tư bản dân chủ.”

 

“Ngay cả vua chúa cũng là con người. Trái tim họ cũng có thể tan vỡ, chúng nhỏ máu. Họ có thể bị thuyết phục…” Thông điệp trong những trang cuối của cuốn sách đã mở ra những giải pháp tích cực để “chúng ta cùng chung tay đổi thay thế giới” như lời kêu gọi của Perkins.

 

Khánh Duy

 

 

 

Nước Mỹ hỗn loạn hậu 11/9 qua hồi ký cựu GĐ CIA

Tháng Tư 11, 2009

Nước Mỹ hỗn loạn hậu 11/9 qua hồi ký cựu GĐ CIA

 

“Tenet cố tình đổ tội cho người khác. Đừng mua sách!” Tờ Washington Post giật tít như vậy ngay sau khi cuốn hồi ký “Mắt bão” của cựu giám đốc CIA George Tenet ra mắt. Thế nhưng, sách của Tenet vẫn bán chạy. Người dân tò mò muốn biết nhân vật số 1 của tình báo Mỹ giải thích thế nào về sự kiện 11 tháng 9 và cuộc chiến Iraq. Còn chính giới Mỹ thì tranh cãi không ngớt xung quanh những luận điểm của ông.

 

Rìu và xe ủi

 

Trong Mắt bão, Tenet đã viết một đoạn rất thú vị về diễn biến trong nội bộ tổ chức Al-Qaida khi bàn âm mưu thực hiện 11/9. Ý tưởng để máy bay đâm vào tòa tháp đôi là của Khakid Sheikh Mohammed nhưng tên này chỉ đề xuất ăn trộm một máy bay nhỏ chất đầy thuốc nổ. Theo những gì kể lại, Bin Ladin đã hỏi:

 

“Tại sao lại phải dùng rìu trong khi có thể dùng hẳn xe ủi?”

 

Chính tay Bin Ladin đã sửa lại kế hoạch, thay máy bay thuốc nổ bằng máy bay thương mại với rất nhiều hành khách.

 

“Xe ủi” đã là phẳng Trung tâm thương mại thế giới, giết chết 3000 người và đẩy nước Mỹ vào một giai đoạn khốc liệt nhất hậu chiến tranh Lạnh. Đương nhiên, tâm điểm của mọi lời chỉ trích nhắm vào cơ quan tình báo Mỹ CIA vì họ đã không thể phát hiện ra âm mưu khủng bố “như trong phim” này của Bin Ladin và đồng bọn.

 

“Xe ủi” đã vĩnh viễn đổi thay não trạng của chính giới và người dân Hoa Kỳ. Từ nay, nước Mỹ không còn là quốc gia “bất khả xâm phạm”, ngoài tầm tấn công của kẻ thù nhờ vị trí địa lý bên kia đại dương. Từ chỗ “thờ ơ” với các nguy cơ, nay người Mỹ nhìn đâu cũng thấy khủng bố theo kiểu bác sỹ nhìn đâu cũng thấy vi trùng.

 

Dữ liệu nguy cơ khủng bố hậu 11/9 nhiều đến nỗi mỗi ngày được tập hợp thành một văn bản dày, được trình Tổng thống vào mỗi buổi sáng như một bữa điểm tâm. Mỗi ngày, CIA đều họp vào 5h chiều để theo dõi các nguy cơ này mặc dù theo Tenet “đa số các nguy cơ đều không có thật.” Chuyện bằng con kiến được thổi phồng lên thành con voi và chính quyền Mỹ sống trong nỗi lo sợ thường trực bởi những “ma trận nguy cơ” theo cách dùng từ của Tenet.

 

Trong cái “ma trận nguy cơ” ấy, Iraq đóng một vai trò nhất định. Chẳng hiểu vì lo sợ khủng bố quá mức hay cố tình như vậy, nhà cầm quyền Mỹ khăng khăng khẳng định rằng Sadam Hussein sở hữu vũ khí hủy diệt hàng loạt và có mối quan hệ khăng khít với Al-Qaida. Hoa Kỳ lại mang “xe ủi” đến để lật đổ hình tượng Saddam nhưng không ai tìm thấy vũ khí huỷ diệt hàng loạt như các báo cáo của CIA trước đó.

 

Tội vạ lại đổ lên đầu cơ quan tình báo Mỹ. Tenet có lý khi cho rằng nước Mỹ hậu 11/9 ở trong một cơn bão khủng khiếp và đương nhiên, CIA đứng ở vị trí trung tâm của cơn bão ấy.

 

Tình báo CIA: Thực tế khác với trong phim

 

“Chúng tôi không phải là những người tự do đi ám sát. Đó là việc của phim ảnh chứ không phải của một thế giới đầy rẫy sự phức tạp mà CIA đang hoạt động trong đó.”

 

Tenet biện luận như vậy trong hồi ký của mình. Đương nhiên, đứng ở mắt bão để hứng chịu búa rìu dư luận, cựu giám đốc CIA buộc lòng phải lên tiếng “thanh minh thanh nga”. Toàn bộ cuốn hồi ký có thể coi lời thanh minh của Tenet trước những lời chỉ trích. Tuy nhiên, điểm hay là ở chỗ, khi thanh minh cho bản thân mình, Tenet lại chĩa mùi dùi về phía chính quyền Bush chứ không phải phe chỉ trích.

 

Theo Tenet, CIA đã có những cảnh báo về vụ khủng bố 11/9 chứ không đến nỗi mù thông tin. Điển hình nhất là vào ngày 4/12/1998, CIA đã có một bản báo cáo tóm tắt cho tổng thống Clinton với tiêu đề: “Bin Laden chuẩn bị cướp máy bay Mỹ và tiến hành các cuộc tấn công khác.” Từ tháng 4 đến tháng 9 năm 2001, có khoảng 105 báo cáo tóm tắt được gửi tới lãnh đạo các cơ quan hàng không. Nhưng những lời cảnh tỉnh CIA đưa ra đã đi từ tai này sang tai kia của giới chức Hoa Kỳ.

 

Không chỉ nhận thức không đúng mực những nguy cơ, Tenet cho rằng CIA đã không được cung cấp đủ nguồn lực và không gian pháp lý đủ để hành động. Chính quyền Clinton chỉ cho phép bắt sống Bin Ladin, “đi ám sát Bin Ladin là không được phép và không thể chấp nhận được” trước ngày 11/9. Đó là vấn đề luật pháp và chính trị, những điều đó theo Tenet đã cản trở CIA hoạt động một cách thực sự hiệu quả để chặn đứng những âm mưu khủng bố.

 

Cú úp rổ “nhầm lỗ”

 

Trong một cuộc họp kín với tổng thống và các quan chức cấp cao Hoa Kỳ trước chiến tranh Iraq, George Tenet đã nói với tổng thống đại ý rằng việc phát hiện ra Saddam Hussein sở hữu vũ khí hủy diệt hàng loạt chẳng khác nào một “slam dunk”. Chữ này là một từ trong bóng rổ được dịch là “cú úp rổ mạnh mẽ”. Hàm ý ở đây là việc phát hiện ra Iraq sở hữu vũ khí hủy diệt hàng loạt chẳng khác nào một động thái mang tính bước ngoặt, khẳng định đã đến lúc phải tấn công.

 

Sau này, tổng thống Bush và các quan chức Mỹ nhiều lần sử dụng chữ “cú úp rổ” này của Tenet để biện minh cho tính cấp thiết của cuộc tấn công Iraq nhằm giải trừ vũ khí huỷ diệt của nước này. Vũ khí huỷ diệt đâu chẳng thấy, chỉ thấy “rác rưởi” từ đâu “úp” lên đầu giám đốc CIA George Tenet.

 

Sự thực theo Tenet, CIA chỉ đưa ra những báo cáo mang tính đánh giá chứ không hề khẳng định rằng Iraq có vũ khí hủy diệt hàng loạt. Các thông tin tình báo không đủ cơ sở để chứng minh điều đó và CIA cũng không phát hiện “bất kỳ liên hệ nào giữa Saddam và sự kiện 11/9”, “không có bằng chứng nào cho thấy Baghdad cho phép, định hướng hay điều hành các chiến dịch của Al-Qaida.”

 

Thế nhưng, chính quyền Bush liên tục có những thúc ép buộc CIA phải đưa ra những kết luận và báo cáo mang tính khẳng định nhiều hơn. Tenet viết nhiều đoạn ám chỉ rằng mưu đồ chiến tranh đã được chuẩn bị từ trước và “vũ khí hủy diệt” chỉ là cái cớ dễ được dân chấp nhận, là “vấn đề mà tất cả mọi người đều có thể đồng ý.” Nằm trong cơn lốc đó, CIA cũng phải hòa theo dòng chảy chung chứ không thể đứng chắn ngang “đoàn tầu đang ầm ầm lao về phía trước” được.

 

Những thông tin tình báo manh mún và không đầy đủ đã được Collin Powell đem ra trước Liên Hiệp Quốc để biện minh cho cuộc tấn công Iraq. Nhưng đến khi không tìm thấy vũ khí, người ta lại đổ tội cho những thông tin tình báo “sai lạc” đó, cho rằng chính tình báo yếu kém đã dẫn chính quyền Mỹ tới một quyết định khiến quân đội sa lầy.

 

Đứng trước những lời cáo buộc, Tenet mất hết kiên nhẫn. Ông khẳng định tình báo chỉ là người thực thi chính sách chứ không phải người đề ra chính sách. Đoạn cuối cuốn sách, ông “điên tiết” tuyên bố cảm giác mình chỉ như một “kẻ thế mạng” để chính phủ “tròng cái thòng lọng vào cổ”. Tenet gọi đó là “chuyện hèn hạ nhất tôi từng thấy trong đời” và gọi tất cả trò đổ tội đó bằng hai từ “bịp bợm”.

 

Biện minh hay minh biện?

 

Nhiều lời thanh minh của Tenet khá thuyết phục nhưng cũng có nhiều đoạn quan điểm của ông mập mờ, hai mặt. Là người ủng hộ chiến tranh Iraq nhưng giờ đây Tenet lại cho rằng nước Mỹ đã chưa có những cuộc tranh luận nghiêm túc về sự cần thiết cũng như hậu quả của cuộc chiến này.

 

Tenet phê phán nhiều nhân vật cao cấp trong chính quyền Mỹ từ phó tổng thống Cheney cho tới cố vấn an ninh quốc gia Condi Rice nhưng lại không dám đả động gì tới tổng thống Mỹ Bush. Từng 7 năm giữ chức giám đốc CIA dưới cả hai chính quyền Bush và Clinton, không khó hiểu khi Tenet luôn đưa ra những lập luận theo kiểu “vừa đấm vừa xoa”, không rõ ràng như chính những thông tin tình báo lẫn lộn thật giả ở CIA của ông.

 

Phần cuối sách được viết cảm động nhưng có vẻ như số người cảm thông với tác giả không nhiều. Quan điểm “lập lờ” của Tenet đã nhận được sự công kích của các nhân vật ở cả hai phe chủ chiến và phản chiến, của cả giới chức cấp cao như Condi Rice, John McCain… cho tới những đồng nghiệp, nhân viên cũ của Tenet ở CIA. Đặt tên cuốn sách của mình là “Mắt bão”, như một điềm báo trước, tác giả của nó lại phải nằm ở tâm của một cơn bão chỉ trích mới nhắm vào ông.